Những người yêu sách, và đang lửng lơ trong tình yêu hẳn không ai chưa nghe đến tựa đề cuốn sách “Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim” của tác giả người Mỹ John Gray. Thậm chí, trên sóng HTV còn có một chương trình “Sao Hỏa, Sao Kim” - nơi những nghệ sĩ nữ và nghệ sĩ nam trình bày quan điểm của họ về các tình huống ứng xử trong mối quan hệ nam - nữ, vợ - chồng. Cuốn sách “Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim” có gì? Phải chăng đó là một cuốn bí kíp yêu đương mà bất kỳ kẻ FA nào cũng cần? Hay rộng lớn hơn, ta có thể tìm ra bí mật về sự lắng nghe trong giao tiếp chỉ với gần 300 trang sách? Hãy cùng nhau tìm hiểu nhé!
1. Sơ lược về cuốn sách “Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim”
1.1. Tác giả
“Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim” được chắp bút bởi tiến sĩ tâm lý John Gray. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thông theo đạo giáo (Kitô giáo) và sớm tiếp xúc với việc thiền tập. Còn nhiều thông tin chưa rõ ràng về học vị của ông, tuy nhiên, sau khi phát biểu tại trường đại học bang Illinois, ông đã được trao bằng tiến sĩ danh dự bởi thống đốc bang.
John Gray là một cố vấn, một nhà trị liệu gia đình. Ông là thành viên Hiệp hội tư vấn Hoa Kỳ và Hiệp hội tư vấn Hôn nhân và Gia đình Quốc tế. Ngoài ra, John Gray còn viết báo, báo của ông được đăng tải trên tạp chí khoa học của nhiều nước trên thế giới. Những quan điểm của ông về tình yêu, bình đẳng giới, tình dục được trích dẫn nhiều tại các hội nghị lớn.
Tác giả John Gray - Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim
Với vai trò là tác giả sách, John Gray viết khá nhiều nhưng cuốn “Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim” là bán chạy và nổi tiếng hơn cả. Dù nổi tiếng với cuốn sách là kim chỉ nam cho các mối quan hệ yêu đương, John Gray lại có một đời sống hôn nhân khá trắc trở. Ông đã kết hôn với một tác giả sách self-help Barbara De Angelis, nhưng đến năm 1984, họ ly hôn. Sau đó 2 năm, ông đi bước nữa với người vợ hiện tại là Bonnie - một người được ông nhắc đến khá nhiều trong cuốn sách. Phải chăng, qua một lần đổ vỡ trong tình yêu, John Gray càng thấm thía hơn về vai trò của sự thấu hiểu trong đôi lứa, và vì vậy, cuốn sách Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim lại càng đúng đắn và hữu ích với rất nhiều người.
Tham khảo thêm thông tin tại đây.
1.2. Tác phẩm
1.2.1. Ý nghĩa nhan đề
“Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim” là một giả định của tác giả xuyên suốt cuốn sách, rằng đàn ông vốn đến từ sao Hỏa, còn đàn bà đến từ sao Kim. Hai người ở hai thế giới này vốn hoàn toàn khác biệt, vì lỡ yêu nhau nên cùng nhau đến Trái Đất sinh sống. Đây là một tưởng tượng khá hay ho, tạo tò mò và thích thú. Đặc biệt, trong bản đồ sao hay chiêm tinh học, sao Hỏa vốn là đại diện cho tình cảm và cách ứng xử trong tình yêu của phái nam, và tương tự thế, sao Kim là đại diện cho phái nữ. Nhan đề khiến cho độc giả nửa tin nửa ngờ, cuốn sách này chỉ là giả tưởng, hay là một điều thần bí có thể lý giải bằng chiêm tinh? Và rồi, người ta men theo những trang sách đầu tiên, thế là cứ đi mãi cho đến những trang cuối. Khi lần đến trang cuối cùng của cuốn sách, người ta nhận ra ý tưởng của cuốn sách thật điên rồ, lúc là viễn tưởng, lúc lại vô cùng sát và sâu với tâm lý người đọc. Nhan đề cuốn sách khiến ta tưởng đây là một cuốn sách nói về những câu chuyện không có thật, nhưng thực tế lại là những bài học về kỹ năng lắng nghe, với ý nghĩa rộng hơn cả, ý nghĩa về sự thông cảm và thấu hiểu lẫn nhau trong mối quan hệ tình cảm nam - nữ.
Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim - không chỉ dừng lại ở chuyện đôi lứa
1.2.3. Tầm ảnh hưởng của tác phẩm
“Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim” được xuất bản rộng rãi trên toàn thế giới, cuốn sách đã bán được hơn 15 triệu bản. Theo báo cáo của CNN, đây là “tác phẩm phi hư cấu được xếp hạng cao nhất trong thập niên 1990”. Ngoài ra, cuốn sách còn gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến giới chuyên môn, đặc biệt là ở khu vực châu Âu. Hàng loạt các quảng cáo, ghi âm, video, hội thảo cuối tuần, chương trình truyền hình, phim truyền hình đã sử dụng mô hình của cuốn sách này trong quan điểm về sự khác nhau giữa các giới. Vậy rốt cuộc, “Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim” nói về điều gì?
2. “Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim” - liệu có dừng lại chỉ ở vòng tròn tình yêu?
2.1. Đối chiếu từ quy tắc thấu hiểu trong tình yêu, mở rộng ra quy tắc thấu hiểu trong kỹ năng lắng nghe
2.1.1. Sườn tổng quan
Cuốn sách “Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim” viết về điều gì? Cuốn sách chia làm nhiều chương, xuyên suốt đó là một cốt truyện chính: đàn ông là người sao Hỏa, đàn bà là người sao Kim, hai người thông qua kính viễn vọng nhìn thấy nhau, yêu nhau và cùng nhau đến Trái Đất sinh sống. Sau một thời gian sống trên Trái Đất, họ quên mất bản thân đến từ thế giới khác người kia, và dần thiếu đi sự đồng cảm. Họ nghĩ hai người đều là người Trái Đất, từ đó mong cầu đối phương hành động giống mình. Thế rồi những tranh cãi, sự thiếu thấu hiểu xảy ra, họ cãi vã và dần xa nhau.
Chương đầu tiên: Đàn ông đến từ sao Hỏa đàn bà đến từ sao Kim đã nhấn mạnh rất rõ sự khác biệt đến từ hai giới. John Gray đã làm nổi bật, và nhắc lại rất nhiều lần, rằng đàn ông đến từ sao Hỏa, còn đàn bà đến từ sao Kim. Có thể nói, nền tảng về nhận thức rõ ràng về sự khác biệt giữa hai giới chính là nền tảng cho các chương sau này của cuốn sách.
Sau đó, chương 2 và chương 3: Tác giả làm rõ sự khác biệt giữa nam và nữ. Trong đó, nổi bật là quan điểm: đàn ông mong muốn mình được cần đến, còn phụ nữ thích bản thân được quan tâm. Khi căng thẳng, đàn ông sẽ trú vào hang sâu, để tự chữa lành bằng việc tránh xa nguyên nhân gây căng thẳng, còn phụ nữ thì sẽ cần người sẻ chia và tâm sự. Có thể thấy, nền tảng tâm lý khác nhau giữa hai giới chính là nguyên nhân dẫn đến cách hành xử khác nhau này. Trong khi đàn ông coi trọng tính mục tiêu và thành tựu, phụ nữ lại coi trọng sự kết nối và giãi bày. Nhận thức rõ ràng sự khác biệt to lớn sẽ dẫn đến việc có những cách ứng xử phù hợp hơn.
Ở những chương tiếp theo cho đến cuối cùng của cuốn sách, tác giả đi sâu vào giải mã những hành động, cách ứng xử của đàn ông và phụ nữ. Ẩn dưới những hành động, lời nói bên ngoài chính là những suy nghĩ, mong mỏi đến tột cùng một điều gì đó, ví dụ như sự công nhận, ví dụ như sự quan tâm. Thấu hiểu được điều này, các giới trong mối quan hệ sẽ dễ dàng hơn trong việc truyền đạt và giải quyết những mâu thuẫn, từ đó tiến đến một tình yêu bền vững và gắn kết.
Từ các chương sách này, chúng ta có thể mở rộng ra một quy tắc lớn hơn cho tất cả các mối quan hệ xung quanh mỗi người: quy tắc về sự thấu hiểu và cảm thông - nguyên tắc cốt lõi của kỹ năng lắng nghe. Tôi sẽ làm rõ điều này hơn ở phía dưới.
Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim - nguyên tắc lõi trong kỹ năng lắng nghe
2.1.2. Kỹ năng lắng nghe là gì
Trước tiên, chúng ta cần thống nhất với nhau, kỹ năng lắng nghe là gì? Hãy đi vào hai từ tiếng Anh mà hẳn ai cũng biết: “hear” và “listen”. “Hear” là hoạt động nghe rất đơn thuần của đôi tai, khi có âm thanh bất kỳ, hoạt động nghe giống như sự nhận biết có tiếng động xuất hiện. Thế còn “listen”? Đó là sự lắng nghe, cảm nhận, hưởng thụ và thấu hiểu. Chúng ta vẫn hay dùng “listen” với “ music” - ý nói sự cảm nhận và hưởng thụ. Lắng nghe không phải là nghe một cách vô tri, mà là thấu hiểu và đồng cảm. Có một vĩ nhân đã từng nói: “Người ta mất ba năm để học nói, nhưng mất cả đời để học cách lắng nghe”.
Kỹ năng lắng nghe bao gồm việc làm thế nào để người khác có thể mở lòng tâm sự, làm sao để lắng nghe chăm chú không phán xét và sẵn sàng thấu cảm với đối phương. Hiểu được kỹ năng lắng nghe là gì, nhận thức được việc lắng nghe không đơn thuần như việc nghe, chúng ta mới có thể lắng nghe đúng cách và dần có những mối quan hệ lành mạnh hơn. Và bạn biết đấy, bạn chính là trung bình cộng của 5 người gần gũi với bạn nhất.
Nhưng tại sao ta cần lắng nghe? Hay vai trò của kỹ năng lắng nghe là gì? Sẽ chẳng ai thích nói chuyện với người chỉ biết thao thao bất tuyệt về bản thân, cũng chẳng ai muốn mở lòng với kẻ chỉ biết phán xét. Lắng nghe không đơn thuần như việc nghe, lắng nghe cần có kỹ năng và người biết lắng nghe là một chuyên gia trong giao tiếp. Có một câu chuyện vui, về việc thượng đế tạo ra loài người. Tại sao chúng ta chỉ có một cái miệng, mà lại có tới hai cái tai? Câu chuyện lý giải rằng chính bởi thượng đế muốn loài người nói ít lại và lắng nghe nhiều hơn. Lắng nghe chính là nguyên tắc cốt lõi của quá trình giao tiếp. Đối chiếu với bản thân, chắc chắn bạn cũng sẽ thoải mái hơn khi gặp một người biết lắng nghe, biết đồng cảm với câu chuyện bạn kể.
Như vậy tôi sẽ đúc rút vài ý về vai trò của kỹ năng lắng nghe như sau:
Thứ nhất, đối với bản thân người nghe, việc chuyên tâm lắng nghe giúp chúng ta có một thế giới quan mới về mọi người xung quanh. Khi biết lắng nghe, việc ta được nghe nhiều hơn những câu chuyện, những cảm xúc chính là cách ta ngao du đến một thế giới mới - thế giới nội tâm của rất nhiều người quanh ta. Còn gì hơn thế nữa? Nếu bạn không muốn chạm đến những nơi mềm yếu nhất của trái tim một người, bạn có thể trở nên tử tế hơn khi nghiêm túc nghe ai đó chia sẻ. Theo John Gray, phụ nữ có nhu cầu được chia sẻ, được quan tâm và lắng nghe chính là cách để ta thỏa mãn nhu cầu đó cho nửa kia của thế giới. Và có một sự thật, tôi tin chắc rằng ai cũng có những khoảnh khắc yếu lòng, dù là đàn ông hay phụ nữ, và kỹ năng lắng nghe chính là cách ta đứng đó, kiên cường cho họ vịn vào mà đứng dậy mỗi khi yếu lòng.
Thứ hai, đối với người được lắng nghe. Ta hẳn sẽ thấy thoải mái hơn khi những buồn vui trong lòng được thêm một ai đó thấu cảm. Kỹ năng lắng nghe lúc này giúp cuộc giao tiếp trở nên hiệu quả hơn. Sẽ ra sao nếu cả hai người - ai cũng chỉ muốn nói? Vậy ai sẽ là người nghe? Và rồi ai cũng sẽ cảm thấy tổn thương khi không được thấu hiểu, giao tiếp sẽ không còn giá trị nữa và dần dần, người ta xa nhau. Những mối quan hệ dần rạn vỡ, và rồi, chúng ta cô đơn giữa một thế giới có dân số là 7 tỷ người. Cách nói chuyện hay nhất chính là lắng nghe sao cho thật hiệu quả, hay có nhiều người còn gọi đó là kỹ năng lắng nghe tích cực.
Hiểu được kỹ năng lắng nghe là gì, biết được vai trò của kỹ năng lắng nghe, chúng ta lại đặt ra câu hỏi: rèn luyện kỹ năng lắng nghe hiệu quả như thế nào?
Thơ của Chế Lan Viên
2.2. Áp dụng quy tắc sao Hỏa sao Kim vào mọi mối quan hệ
Bạn đã rút ra được quy tắc chung của cuốn “Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim” chưa? Mỗi người đều có thể đến từ một hành tinh khác nhau, không chỉ riêng gì đàn ông hay đàn bà. Chế Lan Viên từng viết:
“Chẳng có ai tẻ nhạt mãi trên đời
Mỗi số phận chứa một phần lịch sử
Mỗi số phận riêng dù rất nhỏ
Chẳng hành tinh nào sánh nổi được đâu”
Vì vậy, cũng giống như John Gray nhận xét rằng đàn ông và đàn bà hoàn toàn khác biệt nhau, mỗi người cũng như vậy, không ai giống nhau cả. Có người hướng nội, có người lại hướng ngoại, có người tự nhận xét bản thân “hướng lung tung”. Mỗi người có một hoàn cảnh, một thế giới quan, một cuộc sống riêng, vì vậy mỗi cá nhân đều vô cùng khác biệt. Trong cuốn “Giết con chim nhại”, tác giả có viết, chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được ai khi không ở trong hoàn cảnh của họ và suy nghĩ theo cách của họ.
Vậy, mấu chốt ở đây là gì? Đó chính là mỗi người đều vô cùng khác biệt, và bước đầu tiên để rèn luyện kỹ năng lắng nghe hiệu quả là luôn nhận thức và tôn trọng sự khác biệt ấy của mỗi cá nhân mà chúng ta gặp qua trong các cuộc giao tiếp.
Bước tiếp theo, tìm tòi vào thế giới khác biệt của mỗi cá nhân. Giống như việc John Gray cố lý giải cho độc giả hiểu cách suy nghĩ và hành động của người sao Hỏa cũng như người sao Kim, muốn lắng nghe tốt, chúng ta cần mang tâm thế của một người hoàn toàn chưa biết gì về thế giới của đối phương, để lắng nghe mà hoàn toàn không phán xét. Hãy ghi nhớ, ta nghe để hiểu về đối phương, để lắng nghe những tâm sự và giãi bày. Hãy ngừng việc đánh giá một người, phán xét họ và đưa ra những định kiến đầy tính cá nhân. Việc đưa ra những quan điểm mang tính định kiến sẽ khiến đối phương trở nên cảnh giác, và khép mình hơn khi giao tiếp.
Chốt lại, rèn luyện kỹ năng lắng nghe hiệu quả chỉ có 2 bước đơn giản, thứ nhất, nhận thức rõ ràng về sự khác biệt của mỗi người. Ở Youth+, đó gọi là văn hóa tôn trọng sự khác biệt. Thứ hai, mang một trái tim rộng mở và một tâm hồn không phán xét để lắng nghe câu chuyện của bất kỳ ai.
Bạn sẽ thấy khó khăn trong lúc thực hành. Nhưng hãy tin tưởng rằng, khi bạn đủ lý trí để biết tôn trọng sự khác biệt từ mọi người xung quanh, bạn sẽ đủ rộng mở để lắng nghe mà không hề phán xét điều gì. Đó là bí mật của việc lắng nghe.
3. “Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim” - không chỉ là bài học ứng nhân xử thế, mà còn là bài học về sự vỗ về chính mình
3.1. Bài học về sự hiểu mình
John Gray, trong cuốn sách của mình có đề cao sự tự hạnh phúc thay vì phụ thuộc cảm xúc vào thái độ hay hành vi của đối phương. Theo tôi, vai trò của sự hiểu mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đều quan trọng, mà quan trọng hơn cả là kỹ năng lắng nghe chính mình.
Gần đầy, mạng xã hội bỗng rạo rực lên cơn sốt của những trào lưu tâm lý học, những cuốn sách về trầm cảm và bệnh tâm lý được săn đón, ví như “Tìm mình về thế giới hậu tuổi thơ” của Đặng Hoàng Giang, “Hiểu về trái tim” của thầy Thích Minh Niệm,... Những bộ phim healing cũng khiến khán giả trầm trồ xúc động, ví như Doctor Playlist, ví như Series Reply,... Điều đó chứng tỏ chúng ta thực sự bất ổn và rất cần an ủi về mặt tâm lý. Nhưng không ai có thể an ủi và chữa lành cho bạn ngoài chính bản thân bạn.
Làm sao để thôi buồn? Làm sao để đừng vui quá mà lại mất vui? Bạn cần biết bản thân đang cảm thấy thế nào để mà biết mình vui hay buồn trước đã. Chúng ta mải chạy theo mọi người xung quanh, suy đoán họ đang vui hay buồn qua từng lời nói và hành động, nhưng lại quên mất việc quan sát và nhận biết cảm xúc của chính mình. Tâm lý đám đông, nỗi sợ bị đánh giá hay sợ bị chê đều xuất hiện vì trong sâu thẳm trái tim chúng ta, ta coi cảm xúc của người khác quan trọng hơn chính bản thân mình. Việc mọi người xung quanh hài lòng về hành động của ta quan trọng hơn việc ta tự thỏa mãn với cuộc sống của mình.
Vì vậy, chúng ta sống mà quên mất kỹ năng lắng nghe chính mình, quên mất đứa trẻ bên trong chúng ra, và vì vậy mà sống như thể chạy đua với cả thế giới. Nếu chỉ còn 1 ngày để sống, bạn có tiếp tục sống cuộc đời như thế?
3.2. Những lá thư không chỉ dành cho tình yêu đôi lứa
Trong cuốn “Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim”, John Gray có đề cập đến những bức thư cho người thương. Nhưng tôi muốn mở rộng hơn ý này, muốn rèn luyện kỹ năng lắng nghe hiệu quả, dù nghe ta hay nghe người, chúng ta cũng cần những bức thư. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi muốn nhắc đến những bức thư cho chính mình.
Làm cách nào để biết mình vui, buồn, tức giận? Làm thế nào để quan sát cảm xúc? Viết chính là cách vô cùng hiệu quả, để nhìn nhận bản thân, quan sát cảm xúc. Trong những phương pháp để sống với thực tại - “be present”, người ta có nhắc đến việc viết rất nhiều. Tôi chưa nghĩ đến cách nào hay hơn việc viết để có thể trò chuyện với chính mình.
Bạn đang nghĩ gì? Bạn đang cảm thấy thế nào? Bạn muốn nói điều gì đó với một người bất kỳ nhưng lại ngại ngần? Bất kỳ điều gì không thể nói ra bằng lời, bạn đều có thể viết. Viết giúp con người ta thư giãn, bình tĩnh và tiếng của trái tim sẽ hiển hiện lên những trang giấy.
Một vài lợi ích của việc viết trong quá trình lắng nghe chính mình:
Thứ nhất, bạn có thời gian để suy ngẫm lại những sự việc đã qua, những cảm xúc đang sôi sục trong bạn.
Thứ hai, khi viết ra, cũng là một cách để bạn tâm sự và giãi bày. Thay vì trong chờ một ai đó đến để cho bạn dựa vào, hãy tự mình biến thành bờ vai cho chính mình, thế chẳng phải tốt hơn sao?
Cuối cùng, tâm trạng bình ổn, cảm xúc được an ủi một cách tự thân, bạn sẽ học được cách hạnh phúc một mình.
Tuy nhiên, việc viết cũng có nhiều bất tiện. Tiêu biểu đó là việc chúng ta không phải lúc nào cũng có sẵn giấy bút để loay hoay ghi ghi chép chép. Bất tiện này có thể được khắc phục bằng các phần take note của điện thoại hoặc các mạng xã hội với các bài tus.
Thói quen viết vào mỗi sáng và mỗi tối sẽ giúp một ngày trôi qua trong tầm kiểm soát của cá nhân bạn ở một mức nhất định, và bạn sẽ luôn biết chuyện gì đang xảy ra, từ đó mà làm chủ được cuộc sống của chính mình.
4. Tổng kết
Đọc đến đây rồi, bạn nhận được điều gì trong hành trình tìm hiểu về cuốn sách “Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim” mà tôi là tour guide chưa?
Tôi sẽ đúc kết lại nội dung mà tôi muốn truyền tải qua bài viết này như sau:
Thứ nhất, cuốn sách “Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim” của John Gray là một cuốn sách hữu ích nói về cách ứng xử và trở nên hạnh phúc với các mối quan hệ nam - nữ, vợ - chồng.
Thứ hai, tôi muốn mở rộng hơn, quy tắc mà cuốn sách đưa ra không chỉ dừng lại ở mối quan hệ nam - nữ mà có thể ứng dụng với mọi mối quan hệ với kỹ năng lắng nghe. Trong đó tôi có làm rõ:
- Kỹ năng lắng nghe là gì?
- Vai trò của kỹ năng lắng nghe?
- Rèn luyện kỹ năng lắng nghe hiệu quả bằng cách nào?
Thứ ba, việc lắng nghe không chỉ dừng lại ở việc nghe người, mà chúng ta còn cần biết lắng nghe chính mình, trò chuyện với đứa trẻ bên trong trái tim bạn.
Mong rằng bài viết có thể mang đến nhiều điều hữu ích cho bạn.
Nhật Lệ, Youth+