Trong thời đại 4.0 ngày nay, việc chúng ta cập nhật thông tin qua các bài báo trên Internet, chương trình thời sự tivi, facebook, youtube,.. dường như đã trở thành một thông lệ, thói quen thường nhật. Không biết các bạn thế nào nhưng với riêng tôi việc check web vào mỗi buổi sáng sớm là điều phải làm, bởi lẽ dĩ nhiên trong thời đại số hóa, mọi thông tin cần thiết đều được truyền tải qua mạng. Chỉ cần một ngày không có Internet tất cả mọi người trên thế giới sẽ trở nên hoảng loạn, tệ hơn nữa sẽ có một sự “sụp đổ” vì không có thông tin, hàng loạt công việc bị đình trệ trong phút chốc, loài người rơi vào khoảng tối vô định hình.
Internet là cầu nối để truyền thông phát triển. Nói cách khác nhờ có Internet mà ngành truyền thông ra đời. Ngày nay, truyền thông không chỉ bó hẹp trong phạm vi những tờ báo giấy hay các chương trình trên tivi mà nó còn phát triển trên mạng xã hội, báo điện tử,… Đặc biệt là trên các trang báo có số lượng viewer cao hay trên Facebook – mạng xã hội phổ biến toàn cầu, khối lượng thông tin được đưa lên đó lớn vô cùng và chất lượng thì không được kiểm chứng. Chính vì thế mà bao lâu nay, từ vị trí là công cụ giúp mọi người nắm bắt thông tin một cách tin cậy, chuẩn xác thì bây giờ truyền thông lại đang biến tướng thành thứ công cụ điều khiển mà chúng ta vẫn thường hay nói là ‘dắt mũi’. Các bạn ở đây hẳn ít nhất đã nghe thấy một lần cụm từ ‘Truyền thông dắt mũi’ rồi phải không? Trong thời đại truyền thông ngày nay thì việc chắt lọc thông tin, giữ được cái đầu lạnh để tự nhìn nhận lại sự việc, hiện tượng sao cho đúng với bản chất của nó cũng là một kỹ năng, và không chỉ là kỹ năng mà mọi người cần phải có mà nó còn là một trong những yếu tố quyết định tạo nên sự phát triển con người – xã hội ở một quốc gia, nhất là đối với những quốc gia đang phát triển vươn mình mạnh mẽ như Việt Nam.
Các bạn có nhận ra không, rằng chúng ta đang bị quá nhiều thứ chi phối trong cuộc sống? Sự phát triển của xã hội tỷ lệ thuận với khối lượng thông tin được tạo ra. Số thông tin này có đủ thể loại từ chính thống, tin cậy cho đến giả mạo và cả tin rác do các trang báo đăng tải với nhiều chiêu trò nhằm mục đích câu view, lôi kéo người đọc vào web đọc để tăng lượng tương tác, thu về nhiều tiền hơn,…
Và cái bẫy truyền thông được ra đời, đơn giản mà hiệu quả. Họ cho lan truyền những tin tức mà chúng ta – những người đọc không thể xác thực được thực - hư (vì chúng ta đâu có nhiều tai mắt để biết hết mọi chuyện) từ đó tạo nên luồng dư luận nhiều ý kiến trái chiều, làm nhiễu thông tin thật, che mắt người đọc. Kết quả, nhẹ thì chửi bới, hiểu sai rồi tuyên truyền gây náo loạn dẫn đến việc chính những người trong cuộc bị ảnh hưởng, nặng thì kích động, biểu tình, nhất là ở một số vùng có dân trí thấp, họ sẽ sẵn sàng làm mọi thứ với những gì họ tiếp nhận được. Các bạn cũng biết đấy, dưới tay nhà báo thì sức mạnh của ngòi bút đáng sợ đến thế nào!
Có một câu chuyện khá hay mà tôi muốn lấy làm ví dụ để các bạn có thể hiểu rõ hơn về sức mạnh của truyển thông. Chuyện về Tăng Sâm – một trong những môn đồ xuất sắc nhất của Khổng Tử.
Chuyện kể rằng:
Bỗng một ngày khi đang dệt cửi (cách người xưa dệt vải) mẹ Tăng Sâm bỗng nghe một người hớt hải chạy về nói với bà: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ không tin đáp lại “Chẳng đời nào con ta lại giết người”. Rồi bà điềm nhiên ngồi tiếp tục dệt cửi.
Một lúc sau người thứ hai cũng hớt hải chạy đến thất thanh: “Tăng Sâm giết người”. Lần này bà vẫn ngồi tiếp tục dệt và trong lòng bắt đầu hơi lo lắng.
Ngay sau đó, người thứ ba chạy tới vừa thở hổn hển vừa nói: “Tăng Sâm giết người”. Nghe thấy mẹ Tăng Sâm hớt hải chạy ra khỏi nhà lên tìm con.
Đến nơi mới biết người giết người không phải con mình mà là một người không cùng tên. Về nhà thấy Tăng Sâm đang dọn dẹp khung cửi bà mẹ vội chạy tới ôm con và khóc.
Tăng Sâm vốn là người hiền hậu, hiếu thảo, bà mẹ vốn là người trung tín, một bụng tin con. Đột nhiên có kẻ bảo: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ không tin, người thứ hai bảo, còn chưa tin; đến người thứ ba bảo, thì cuống cuồng chạy trốn. Như thế mới hay dư luận của thiên hạ rất là mạnh. Một việc, dù cho sai lầm đến mười mươi, nhiều người đã cùng có một nghị luận đều như thế cả, thì cũng dễ khiến cho ta nghi nghi hoặc rồi đem bụng tin mà cho là phải, nom đỉa hoá ra rươi, trông con chó thành ra con cừu. Đến như giữa chợ làm gì có cọp! Thế mà một người, hai người, đến ba người nói có cọp, thiên hạ cũng tin có cọp thật nữa là! Những bậc ra được ngoài vòng dư luận, giữ vững được bụng như cây giữa rừng, như kiềng ba chân rất là hiếm, nhưng có thế được, mới cao.
Một người Hitler đã nói: "Một lời dối trá nếu được lặp đi lặp lại đủ mức thì nó sẽ trở thành sự thật". Đúng vậy, cái gì được thực hiện lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ trở thành thói quen, một lời nói dối khi được nói nhiều lần sẽ trở thành sự thật lúc nào không hay. Giống như phương pháp “ám thị”, người tiếp nhận sẽ không thể xử lý thông tin một cách thực sự chuẩn xác bởi thông tin mà đối phương đưa ra chưa được họ kiểm chứng, họ có thể tin tuyệt đối vào điều đó, làm theo mọi mệnh lệnh được yêu cầu. Nó cũng có nghĩa là lặp lại một lời nói,sự việc, hành vi để khiến cho họ tin tuyệt đối vào điều ấy. Đó là một điều nguy hiểm và theo một nghĩa nào đó thì truyền thông cũng có sức mạnh tương tự như vậy.
Hay các vụ việc diễn ra hàng ngày trên Facebook như ca sĩ này vướng lùm xùm nọ nghi án kia, người nổi tiếng mà nằm ngủ thế à? cho đến các hiện tượng mạng nổi lên nhờ chiêu trò PR rẻ tiền,… Tất cả đều hướng đến một cái đích chung đó là tạo ra một làn sóng dư luận khiến xã hội điên đảo mà hậu quả của nó là những người đọc như chúng ta phải gánh chịu, bị quay như chong chóng trong sự hả hê của một bộ phận người, chìm đắm trong mớ thông tin hỗn độn thật – giả, giả - thật. Lúc này nói người đọc như những con rối trong rạp xiếc đang làm trò hề tiêu khiến cho khán giả mà ở đây là những tay nhà báo, kẻ giật tít tung tin và đám người thích nổi tiếng nhờ dư luận cũng không sai.
Vấn đề tôi muốn nói ở đây là gì? Hãy giữ cái đầu lạnh, tập tư duy phản biện đi, suy nghĩ logic một chút, đặt mình ở vị trí của người nói để tìm hiểu lý do, đừng tự biến mình thành con lừa để họ dắt mũi dễ dàng như thế. Mọi người, đặc biệt là giới trẻ thường có xu hướng chạy theo những tin tức hot, giật gân, họ đọc các bài viết mà không cần suy xét đến những điều xung quanh, mặc nhiên tin vào điều đó một cách mù quáng. Vô hình trung chúng ta đã biến những thông tin sai lệch lại càng thêm sai, biến bản thân trở thành những con rối dưới tay truyền thông để họ mặc sức đưa đẩy, khuấy động, lợi dụng tạo ra dư luận mà từ đó những thế lực đen tối có thể nhắm vào nhằm thực hiện mưu đồ xấu xa làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cả một đất nước, khiến cho xã hội trở nên lũng loạn và mất kiểm soát. Hơn lúc nào hết, chính mỗi người – những công dân của thế kỷ XXI cần phải tỉnh táo, xử lý tìm hiểu thông tin một cách chắc chắn, kỹ càng trước khi đưa ra quyết định hay phán xét bởi đó là chìa khóa để con người nâng cao giá trị bản thân cũng như đóng góp một phần công sức của mình vào công cuộc xây dựng xã hội hiện đại – văn minh – lành mạnh.
Author: Nguyễn Ngọc Nam
---------------------------------------
y+| Bạn muốn thể hiện cái tôi của bản thân, những góc nhìn của riêng mình trước một vấn đề. Hãy tham gia cộng đồng Tác giả của Youth+ cùng chúng tôi thảo luận và chia sẻ những mảng màu lấp lánh về cuộc sống này nhé!
Link hướng dẫn đăng bài viết: https://bit.ly/2Cnyjvc
y++| Trở thành Cộng tác viên Youth+ để đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại http://bit.ly/2RZyp15
https://youth.com.vn/…/so-do-creativity-conduit-cho-b…/.html