10/04/2020
1,047

Chia Sẻ Của Cô Gái Trẻ Về Trải Nghiệm 3 Tháng Thực Tập Tại Tổ Chức Phi Chính Phủ

Chia Sẻ Của Cô Gái Trẻ Về Trải Nghiệm 3 Tháng Thực Tập Tại Tổ Chức Phi Chính Phủ

Tính đến lúc viết bài này là mình đã làm thực tập sinh tại tổ chức phi chính phủ mà mình đang làm được 3 tháng. Nếu có ai hỏi mình là làm NGO sẽ được gì? Thì câu trả lời sẽ gói gọn trong ba điều này: Hiểu về bản thân; Va chạm thực tế và Làm những điều thực sự ý nghĩa.

1. Hiểu về bản thân.

Thực ra, mình đang ở độ tuổi 20s, cái độ tuổi khá ẩm ương, vẫn còn chênh vênh nhiều, còn mờ mịt về con đường phía trước, nhưng đồng thời, vẫn còn coi cuộc đời đầy màu hồng và quá tự tin vào bản thân. Nếu ai từng đọc những bài viết trước trên blog này của mình, thì hẳn mọi người cũng biết mình từng lăn lộn đi làm khắp chốn suốt 4 năm đại học, cũng nhờ những trải nghiệm đó mà mình va chạm nhiều hơn nhiều bạn cùng tuổi. Nhưng cũng chính vì những điều đó, mà mình từng tự cho rằng bản thân biết nhiều, hiểu nhiều, và thành ra quá tự tin vào bản thân.

Những vốn sống trong bốn năm đại học giúp mình không khó khăn để hòa nhập vào môi trường mới, không khó khăn để bắt kịp công việc. Mặc dù khối lượng công việc trong NGO không nhỏ. Nhưng trước đó, mình từng nghĩ bản thân là đứa có thể chịu đựng rất giỏi, là một đứa rất có kỉ luật. Hóa ra không phải thế. Một trong những rào cản đầu tiên mình gặp phải khi làm ở đây, là chỗ làm quá xa nhà mình, mỗi sáng đi làm lại đi làm đúng cái cung đường tắc nhất, cho nên hầu hết các buổi sáng mình đều phải dậy sớm để kịp đến cơ quan. Nhưng sau độ khoảng 1 tháng đầu tiên cố gắng, mình đi làm muộn ngày đầu tiên, không ai nói gì về điều đó. Mình tiếp tục đi làm muộn ngày tiếp theo, tiếp theo nữa. Không dậy sớm như trước để đi làm mà lầy lội, chây ỳ hơn. Cho đến ngày, sếp mình rốt cuộc cũng để ý và nói điều đó. Mặc dù sếp nói hết sức nhẹ nhàng nhưng mình thực sự cảm thấy rất tệ, mặc dù mình đi làm muộn không hẳn là vì lười biếng hay sao cả, nhưng những lý do dù là gì thì mình biết cũng không đủ để bào chữa. Muộn là muộn. Thường thì, người ta sẽ không quan tâm bạn là ai, làm gì, cho đến khi người ta thấy kết quả bạn thể hiện.

Điều thứ hai mà mình nghĩ bản thân cần khắc phục, đó là mình cần linh hoạt hơn trong việc xử lý công việc. Công việc trong các NGO đều đòi hỏi nhiều kĩ năng và đặc biệt cần phải multitasking, cho nên, nếu thiếu sự linh hoạt để sắp xếp công việc, thì sẽ khó mà hoàn thành được công việc trong ngày. Mình đã mất cả 3 tháng vừa qua để học cách có thể đưa bản thân linh hoạt hơn một chút.

Bên cạnh những hạn chế, thì mình thực sự rất ngạc nhiên vì những cái mình có thể làm được, làm ở chỗ mình đang làm hiện tại trong 3 tháng vừa qua thực sự là một trải nghiệm đã giúp mình vượt qua bản thân hết lần này đến lần khác. Trước kia, mình luôn rất ghét việc phải gọi điện thoại cho ai đó, đặc biệt là người không quen, phần lớn thời gian, mình thích nhắn tin hơn, vì nó thoải mái hơn và dễ hơn. Mình luôn nghĩ rằng cả đời này, mình sẽ chẳng thể làm được những việc cứ suốt ngày phải gọi điện cho người khác. Vậy mà rốt cuộc, ở đây, mình phải gọi điện suốt ngày vì yêu cầu công việc, mà toàn gọi cho những nhân vật cốt cán, to bự, vậy mà vẫn vượt qua được. Thậm chí bây giờ còn biết cách nói chuyện sao cho làm đẹp lòng người nghe để được việc cho mình. Hừm! Cái này chắc cũng tính vào cái kĩ năng linh hoạt vừa mới đề cập đến bên trên đi.

Học được cách không tự ái là điều mình cảm thấy tự hào nhất. Trước kia, mình là đứa tự trọng lớn, và kiêu hãnh ngất trời. Chưa bao giờ mình để ai nói động mình một câu, điều đó đồng nghĩ với việc, có những khi, mình sẽ rụt lại như con rùa rúc vào trong cái mai của nó để không ai phát hiện ra mình tệ đến mức nào. Cái đó, thực sự hạn chế các cơ hội của bản thân mình rất nhiều. Bởi vì đơn giản là, nếu bạn không hiểu mình đang yếu ở đâu, thì bạn sẽ không thể nào khắc phục được.

Tóm lại, trong 3 tháng qua, mình rốt cuộc nhìn nhận được bản thân là đứa vẫn còn thiếu kỉ luật, hơi tự ái, thiếu linh hoạt, nhưng cũng là đứa thích nghi tốt, biết cách học hỏi và chưa bao giờ ngưng cố gắng để đi lên bằng chính sức lực của mình.

2. Đời không màu hồng như mình nghĩ.

Như bao đồng chí khác có mong muốn được làm việc trong những tổ chức phi chính phủ, mình cũng từng có vô vàn những định kiến sai lầm về NGO, như:

No.1. Làm NGO rất nhiều tiền. Oke. Mình không phủ nhận điều này, vì lương của sếp mình khá ổn, và lương của mình - mặc dù chỉ là vai trò thực tập thôi, cũng không quá tệ. Tuy nhiên, nếu nói là làm NGO rất rất nhiều tiền, thì không phải thế. Đúng là làm NGO thì thường bạn sẽ phải đi xin tài trợ cho các dự án của mình, và xin rất nhiều tiền, nhưng số tiền đó nhất thiết phải chi hết cho các hoạt động của dự án, nếu có tiền chi cho nhân sự thì cũng không nhiều. Đừng nghĩ rằng bạn có thể dùng tiền của nhà tài trợ vô tội vạ. Bạn có thể có mức lương ngang ngửa mức lương của dân văn phòng bình thường, nếu bạn ở vị trí nhân viên chính thức của NGO đó, nếu là vị trí thực tập sinh thì có thể sẽ có một khoản trợ cấp dao động từ 1 - 2 triệu/ tháng, một số nơi trả cả tiền cho vị trí tình nguyện viên (như cơ quan mình, họ có thể thuê tình nguyện viên làm việc của thực tập sinh, và vẫn trả tiền như thực tập sinh, thực ra đây chỉ là vấn đề chức danh thôi), nhưng hầu hết vị trí tình nguyện viên để hỗ trợ sự kiện lẻ thì sẽ không có tiền. Tóm lại, làm NGO thì không có nhiều tiền như mọi người mong đợi đâu ạ. Mà có càng nhiều tiền thì trách nhiệm càng lớn, không ai trả tiền cho bạn để ngồi mát ăn bát vàng cả,

No.2. Làm NGO rất nhàn, chơi suốt mà vẫn có lương. Huhu. Không đâu ạ. Để nuôi sống một NGO thì sự thật là, bạn phải thường xuyên nghĩ ra hoặc làm các dự án, để xin tài trợ, làm dự án thì mới có tiền. Mà đã làm thì không bao giờ là nhàn cả. Thường thì nhân sự trong một NGO sẽ không có quá nhiều, cho nên, một người sẽ phải care rất nhiều việc. Ví dụ: Bạn muốn làm dự án A. Team của bạn chỉ có khoảng 3 - 5 người làm dự án này. Điều này đồng nghĩa với việc 3 - 5 người này sẽ phải lo tất cả mọi việc từ viết proposal để xin tài trợ, tìm kiếm nhà tài trợ, chờ đợi phản hồi từ nhà tài trợ, phản biện về dự án của mình, rồi tiến hành dự án thì từ khâu chuẩn bị, liên hệ địa điểm tổ chức cho dự án, làm dự án như nào, tài chính, hậu cần…tóm lại là tất cả những gì bạn nghĩ là một dự án có thể cần, thì bạn phải care hết. Chưa kể là, trong quá trình làm, bạn sẽ phải báo cáo với nhà tài trợ thường xuyên, phải thuận theo nhà tài trợ, well, bạn nghĩ đi, nhà tài trợ rút lại tiền và làm dự án theo ý nhà tài trợ, cái nào lợi hơn? Và sau mỗi dự án, bạn sẽ phải mệt nghỉ chạy theo chứng từ, hoàn thiện các loại hợp đồng và giấy tờ, vì sao phải vậy? Vì thường các NGO sẽ có kiểm toán ít nhất 2 lần mỗi năm, để chứng minh rằng họ “sạch” - tức là minh bạch về tài chính, đó, thử nghĩ mà coi, nếu bạn không minh bạch, rạch ròi chuyện tiền bạc, nếu bạn không chứng minh được là bạn nhận tiền của nhà tài trợ để làm chuyện có ích cho cộng đồng chứ không tư lợi cá nhân, thì làm gì có nhà tài trợ nào rót cho bạn tiền nữa? Cho nên, ai mà bảo làm NGO nhàn, thì hỡi ôi, đừng tin. Làm NGO có tất cả mọi thứ, trừ chuyện nhàn hạ ra. Và không có chuyện ăn chơi suốt ngày đâu nhé, như chỗ mình đang làm đây, sếp hay bảo là làm xong vụ này sẽ được nghỉ, nhưng hầu hết là chẳng ai được nghỉ vì cứ sau khi làm xong dự án nào đấy, bạn sẽ phải chạy giấy tờ đến qua thời hạn nghỉ luôn, và rồi thì sau đó…là chẳng có sau đó nữa.

No.3. Cơ hội thăng tiến lớn hay Làm NGO là phải vào UN. Không, không và không. Cơ hội thăng tiến trong NGO tỷ lệ thuận với kinh nghiệm và số năm bạn làm việc. Sự thực là không khó để làm những chân le ve trong các tổ chức phi chính phủ như tình nguyện viên, thực tập sinh…nhưng để trở thành nhân viên chính thức, và lên vị trí điều phối, thì không dễ chút nào. Bởi vì vị trí càng cao, trách nhiệm càng nhiều. Chưa kể, lợi thế của NGO là networking - tức là các mối quan hệ. Bạn sẽ khó lòng mà lên được vị trí cao khi kinh nghiệm chưa có, quan hệ lại càng không, không ai cho bạn lên cả, bởi vì nếu bạn không có network, bạn không thể làm lợi cho NGO bằng việc tìm kiếm nhà tài trợ hay đối tác. Và chuyện một phát nhảy vào UN làm, không, trừ khi bạn giỏi. UN là một bộ máy đồ sộ, chuyên nghiệp, nếu bạn không có khả năng chịu áp lực, làm việc đa năng, và kinh nghiệm cũng như nhiều mối quan hệ, vậy thì khả năng được làm việc trong UN sẽ khó lắm đấy. UN thường tuyển tình nguyện viên, nhưng ngay cả các yêu cầu tình nguyện viên của UN cũng cực cao chứ không phải đơn giản tí nào. Cho nên, nếu bạn nghĩ vào NGO rất dễ và nhất định phải vào UN thì mới oai, vậy thì hãy dập ngay ý định đó đi. NGO là một con đường, và bạn buộc phải đi từng bước để đến được cái đích của mình, con đường dài hay ngắn thì lại còn tùy vào khả năng của bạn, nhưng đừng nghĩ có thể nhảy cóc khi bạn chưa có gì trong tay.

Nhưng bên cạnh những điều này, thì mình cũng rút ra được vô số tips dành cho các bạn nào thực sự muốn làm NGO đơi:

Tip 1: Cần xác định rõ mình muốn gì. Cái muốn này rất quan trọng nhé. Nếu bạn muốn nhiều tiền, muốn oai, muốn thể hiện mình…vậy thì bạn sẽ không tồn tại lâu trong NGO được đâu. Bởi vì các NGO đều là tổ chức hoạt động vì cộng đồng, bạn không cần phải có đam mê mãnh liệt, sâu sắc vởi những gì bạn làm, nhưng bạn phải hiểu nó. Bạn cần hiểu rằng, những tổ chức làm vì cộng đồng sẽ không đặt lợi ích cá nhân họ lên trên hết mà là hướng tới lợi ích cộng đồng. Bạn sẽ cần phải cống hiến nhiều hơn trước khi bạn thực sự nhận lại được điều gì đó. Nhưng đồng thời, bạn sẽ được cảm thấy mình trở thành một phần của điều gì đó to lớn hơn bản thân mình rất nhiều, một điều gì đó rất có ý nghĩa bởi vì mỗi ngày bạn sống, bạn làm việc, là bạn đang góp phần mang đến những điều tốt đẹp hơn cho cuộc sống của chính bạn và người khác, bạn đang góp phần thay đổi thế giới.

Tip 2: Bạn sẽ được là chính mình. Thường thì, trong NGO, mọi người khá đề cao sự khác biệt và sự tôn trọng. Bạn không cần phải quá lo lắng về dresscode mỗi khi đến cơ quan, bạn không phải lo lắng chuyện người khác đánh giá gì về mình quá nhiều, bởi vì ngoài kĩ năng và kết quả bạn thế hiện, mọi người hầu hết sẽ không quan tâm bạn xuất thân từ đâu, bạn là ai, bạn làm gì, bạn mặc cái gì, tính cách của bạn như thế nào, ít nhất, không ai quá săm soi những điều đó cả. Bạn chỉ cần là chính bạn và thể hiện bản thân qua công việc thôi.

Tip 3: Hãy cố gắng trau dồi multitasking skills. Bởi vì bạn sẽ khó lòng làm trong NGO mà không phải xoay như chong chóng mỗi ngày. Bạn sẽ phải có tí kĩ năng văn phòng cơ bản, kĩ năng nghiên cứu vấn đề, kĩ năng tìm kiếm thông tin, kĩ năng viết, kĩ năng giao tiếp văn bản và lời nói, và vân vân và mây mây ti tỉ các kĩ năng khác để bạn có thể thực sự hòa nhập vào công việc và làm nó với hiệu suất cao nhất. Cái này thì mình vẫn đang trên con đường học hỏi thôi, nhưng tin mình đi, nếu bạn thực sự quyết tâm, thì không có cái gì là quá khó cả.

Tip 4: Hãy tôn trọng người khác như cách người ta tôn trọng mình. Khi bạn làm việc ở NGO, tiếp xúc cộng đồng, bạn sẽ thấy thế giới này đa dạng biết bao, và bản thân thực sự rất rất nhỏ bé. Nhưng nhỏ bé về tầm vóc không có nghĩa là hạn hẹp về cả tư duy và trái tim, cho nên, nếu bạn còn phán xét người khác, thì mình không nghĩ đây là nơi dành cho bạn.

Tip 5: Hãy ngưng nghĩ đến những việc to lớn. Sự thực là, việc mình làm ở cơ quan mỗi ngày cũng không khác nào việc các bạn làm ở văn phòng mỗi ngày. Viết email, báo cáo, làm hợp đồng, in ấn tài liệu, xin chữ ký sếp và nghe mắng. Nhưng chính những việc nhỏ con này sẽ giúp bạn hoàn thiện chính mình mỗi ngày, nếu bạn chưa thể làm tốt những chuyện nhỏ, thì làm sao làm được chuyện lớn. Trước khi nghĩ bạn có thể leo lên vị trí điều phối, gặp gỡ đối tác và làm việc với nhà tài trợ, hãy trau dồi kĩ năng giao tiếp, thuyết phục, và làm mọi việc với sự cẩn thận tối đa trước đã.

Tip 6: Và đây là điều mình muốn nói nhất trong tất cả, Hãy không ngừng học hỏi. Nếu như bạn ngưng làm mới mình, ngưng tiến lên phía trước, thì dù làm gì cũng vậy, bạn sẽ tụt lại phía sau.

Cuối cùng, đây là những trải nghiệm của mình trong khoảng thời gian ngắn ngủi 3 tháng. 3 tháng thì cũng chưa có gì đặc biệt lắm, nhưng mình thực sự đã học hỏi và hiểu biết thêm được rất nhiều điều, mình thích cái cảm giác mỗi ngày thức dậy đều là một ngày mới đối với mình như thế này. Mình thích một công việc khiến mình cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa và thực sự ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác thế này. Đây là những trải nghiệm của mình nên nó có thể sẽ không đúng cho tất cả mọi người, nhưng hi vọng rằng nó sẽ giúp được các bạn thêm chút gì đó nếu bạn đang có ý định làm việc trong tổ chức phi chính phủ. Mình sẽ viết tiếp về trải nghiệm làm NGO của mình trong những bài viết tiếp theo của loạt bài “Chuyện Làm NGO” này.

Author: Anh Hải Vũ