Xã hội ngày nay trẻ quá làm người ta nghi hoặc về sự tồn tại của những giá trị truyền thống. Dạo quanh một vòng các trang mạng xã hội, ta thấy đầy rẫy những bài đăng với những câu nói triết lý: “Teamwork makes dream work”, “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”,...Không phủ nhận những câu “quotes” đó, nghe vừa “sang” mà cũng truyền cảm hứng. Thế nhưng, liệu còn ai nhớ những câu ca dao, tục ngữ truyền thống của ông cha ta cũng mang đậm tính giáo dục và nhân sinh như thế không. Điên hình như câu “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” chắc không còn xa lạ gì đối với con người Việt Nam và ý nghĩa sâu sắc của nó về tầm quan trọng của làm việc theo nhóm
Ý nghĩa câu tục ngữ “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.
Có thể nói, văn học Việt Nam chính là kho tàng “nhân học”. Từ những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, đến những tác phẩm văn, thơ đều ẩn chứa những bài học làm người sâu sắc. “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, câu tục ngữ quen thuộc được đưa vào giảng dạy ngay từ khi chúng ta còn nhỏ, nằm trong tiềm thức của mỗi con người từ khi còn là một đứa trẻ đến khi trưởng thành. Vậy, ý hay ẩn sau trong câu tục ngữ dân gian này là gì?
Xét trên mặt chữ, câu tục ngữ ý chỉ: một cái cây nhỏ bé chẳng thể làm nên một khu rừng, trong khi đó ba cây chụm lại tạo thành một cả ngọn núi bao phủ rừng cây. Thế nhưng, nếu chỉ hiểu theo nghĩa đen thì thật nông cạn. Tinh hoa của văn học Việt là tính ám chỉ, để ta đọc, ngẫm, cảm nhận và từ đó rút ra bài học. Nhìn rộng ra, “một cây” đại diện cho một người, một cá thể còn “ba cây” là bộ mặt của nhiều người, của một tập thể, tổ chức hay xã hội. Như vậy, ý trên mặt chữ đã rõ: một cá nhân đơn độc, nhỏ bé không thể làm được điều gì, nhưng một tập thể chung tay có thể dựng xây những điều lớn lao.
Nếu như từ thời xa xưa, câu tục ngữ áp dụng cho các cuộc chiến tranh xâm lược bảo vệ tổ quốc thì nay, trong xã hội hiện đại, đây vẫn là một trong những chuẩn mực và tiêu chí cần có trong học tập, công việc, những yếu tố quyết định cho sự phát triển của nhân loại. Một công việc, dù lớn hay nhỏ, nếu chỉ một người làm thì sẽ tốn nhiều thời gian và công sức hơn để hoàn thành. Thậm chí, họ còn không đủ trí tuệ và sức lực để gồng gánh. Nhưng đổi lại là một nhóm đồng lòng và quyết tâm cao độ thì chắc chắn sẽ thành công.
Câu ca dao giản dị nhưng chứa đựng bài học sâu sắc về sự đoàn kết và tinh thần đồng đội. Nó là cội nguồn của sức mạnh, giúp ta vượt qua khó khăn, thử thách để chinh phục thiên nhiên và xã hội.
Khái niệm, vai trò của tinh thần đồng đội trong làm việc nhóm
Tinh thần đồng đội là gì?
Tinh thần đồng đội có thể hiểu đơn giản là tập hợp một nhóm người chung tay hoàn thành công việc dựa trên sự ăn ý và hòa hợp của các thành viên. Trong quá, mỗi cá nhân đều hướng đến một mục tiêu chung, cống hiến tinh thần và sức lực để tạo ra giá trị lớn.
Tinh thần đồng đội đóng vai trò như thế nào khi teamwork?
Tinh thần đồng đội đóng một vai trò quan trọng, là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của dự án cũng như sự phát triển bền vững của mỗi tổ chức, tập thể. Ví một tổ chức như là một đoàn tàu, mỗi bánh xe là một cá nhân, trong đó, tinh thần đồng đội chính là sự vận hành ăn khớp giữa các bánh xe. Hãy thử tưởng tượng xem, bất chợt, một bánh xe bị lệch khỏi đường ray, có thể khiến cả con tàu bị ảnh hưởng, hoặc là không thể tiếp tục chạy được nữa, hoặc tệ hơn nữa là gặp phải biến cố, tai nạn. Như vậy, không thể phủ nhận rằng, tinh thần đồng đội chính là “mạch máu” nuôi dưỡng sự thành công, là gốc rễ của sự tiến hóa.
Cách phát triển tinh thần đồng đội để làm việc nhóm hiệu quả
Sắp xếp và phân chia công việc một cách hợp lý
Một nhóm gồm nhiều thành viên, đồng nghĩa rằng có nhiều công việc phải xử lý. Tuy nhiên, không phải ai cũng có năng lực làm việc như nhau. Vì vậy, trong đội nhóm, cần phân chia nhiệm vụ tương xứng với năng lực và khả năng của từng cá nhân nhưng hãy cân bằng về khối lượng công việc. Con người ai cũng chỉ có 24h một ngày, một cái đầu và hai cái tay. Tình trạng người phải ôm đồm quá nhiều việc, người thì rảnh rang sẽ dễ gây bất hòa, tị nạnh trong nhóm mà hiệu suất công việc thì không được như kỳ vọng.
Ưu tiên cái “tâm” của mình vào công việc
Khi làm việc nhóm, hai chữ “trách nhiệm” phải được đặt lên hàng đầu, là tài sản quý giá của cả nhóm. Chỉ một thành viên làm việc không nghiêm túc, thiếu trách nhiệm, làm quoa loa cho xong hay ỷ lại đều sẽ ảnh hưởng đến người khác và làm gián đoạn quy trình, ảnh hưởng đến kế hoạch ban đầu, hiệu quả công việc cũng cứ thế mà bị ảnh hưởng. Hãy nhắc nhở bản thân rằng mình ở đây, không phải để chơi, để góp mặt điểm danh mà mục đích cốt lõi của bản thân trong nhóm chính là tạo ra giá trị, hướng tới thành công. Nếu không đủ nghiêm túc với nó, thì đừng làm “tảng đá” làm nặng chân người khác. Vì vậy, thái độ nghiêm túc trong công việc chính là tôn trọng chính mình, tôn trọng người khác và tôn trọng thành quả sẽ đến trong tương lai.
Học cách lắng nghe và tôn trọng
Có thể bạn là một người tài giỏi, nhưng không có nghĩa bạn giỏi tất cả mọi thứ. Hãy biết cách lắng nghe và chắt lọc những góp ý, lời khuyên từ mọi người xung quanh, thay đổi tích cực để bổ sung những thiếu sót và hoàn thiện bản thân. Ai mà không có dã tâm được công nhận, được khen ngợi nhưng trước đó, phải biết tiếp thu những lời nhận xét, sự bắt lỗi. Ngắt lời hay bác bỏ người khác không chỉ khiến họ phật lòng, mà bạn còn đang đánh mất mối quan hệ, đánh mất cơ hội để cải thiện bản thân. Vì thế, bước đến môi trường tập thể, hãy cất cái tôi cao ngất ngưởng của mình ở nhà. Chỉ khi ta đủ sự tôn trọng, biết cách lắng nghe và thấu hiểu, thành công mới đến.
Học cách tin tưởng
Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên một nhóm làm việc hiệu quả, năng động và sáng tạo chính là yếu tố niềm tin. Sự phát triển và thành công của nhóm phụ thuộc vào yếu tố then chốt là lòng tin. Trong “Lý thuyết trò chơi” (Game theory), lòng tin là nhấn mạnh mức độ giao tiếp, trao đổi thông tin và sự tin cậy lẫn nhau để giảm thiểu rủi ro và mang đến lợi ích lớn hơn cho tất cả các bên. Một khi xây dựng được niềm tin, tức là ta đã thành công thuyết phục mọi người đồng hành cùng mình trong suốt chặng đường, bất chấp những rủi ro có thể xảy ra mà không có sự đổ lỗi cho bất cứ ai. Bởi niềm tin là nền móng của sự bình đẳng và thống nhất, như vậy sẽ tránh được tình trạng “chia năm xẻ bảy” vì những bất đồng quan điểm.
Động viên, khen ngợi là liều thuốc chữa lành hiệu quả
“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Đúng vậy, lời nói phát ra thì dễ, nhưng lại có sức mạnh vô cùng to lớn. Mời gọi sự tham gia và đóng góp của mọi người trong mọi trường cụ thể. Động viên họ học hỏi thêm những kỹ năng mới nếu cần thiết để phát huy những điểm mạnh ở mỗi người. Kêu gọi tinh thần trách nhiệm ở từng thành viên. Nhận biết ưu thế của từng cá nhân và sẵn sàng hỗ trợ những khi cần thiết. Trong tháp nhu cầu Maslow, nhu cầu được thể hiện bản thân và công nhân là cấp cao nhất. Vì thế, nếu làm tốt, ngại gì mà không dành cho nhau những lời khen thưởng, tán dương. Điều đó không những làm tăng tình cảm giữa các thành viên trong nhóm mà còn “bơm thêm” công lực cho mỗi cá nhân để nỗ lực và cố gắng hơn nữa, nâng cao hiệu quả công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Làm việc độc lập hay teamwork, cái nào quan trọng hơn?
Nhu cầu của con người là vô hạn, do đó, phát triển bản thân là nhu cầu tất yếu để sinh tồn và thích ứng trong xã hội phát triển nhanh và đầy mạnh mẽ như vũ bão. Vậy, làm việc độc lập có thực sự xấu và làm việc theo nhóm có phải lúc nào cũng tốt?
Đọc thêm bài viết “Kỹ năng teamwork” tại đây
Lợi ích và hạn chế của làm việc nhóm
Không thể phủ nhận rằng làm việc nhóm đem lại cho chúng ta rất nhiều phúc lợi. Trước tiên, nó tạo cho chúng ta một môi trường hợp tác, học hỏi và chia sẻ bởi mỗi cá nhân là một cá thể có những điểm mạnh và nét độc đáo riêng biệt, là cơ hội tốt để ta nuôi dưỡng và mở rộng các mối quan hệ, chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề. Bên cạnh đó, khi làm việc cùng những người đồng nghiệp lý tưởng, ta có thể tiếp thu những năng lượng tích cực, sự hứng khởi và sáng tạo của họ để lấp đầy những chỗ trống trong vốn hiểu biết cũng như kỹ năng của bản thân, từ đó cải thiện và nâng cao hiệu suất làm việc.
Tuy nhiên, điểm yếu chí mạng dẫn đến sự thất bại của một nhóm là những mâu thuẫn và bất đồng quan điểm không được giải quyết một cách tức thời và triệt để. Không những thế, những nhân tố thích “mì ăn liền”, “há miệng chờ sung” có thể làm trì trệ quá trình thực hiện kế hoạch và lãng phí nguồn nhân lực.
Lợi ích và hạn chế của làm việc độc lập
Khi làm việc độc lập, tức là chủ thể nhận thức được rằng trách nhiệm và lợi ích của bản thân là tối đa. Do đó, ta có thể bao quát và làm chủ toàn bộ công việc; sắp xếp và điều chỉnh cách thức thực hiện và quá trình sao cho phù hợp nhất với phong cách của bản thân. Cũng chính vì thế, người làm việc độc lập sẽ là một cái máy chạy hết công suất, toàn tâm toàn ý vào thực hiện mục tiêu để mày mò, nghiên cứu và “mở khóa” một vài điều mới mẻ như những kiến thức và kỹ năng mới.
Thế nhưng, “một mình” không hoàn hảo như ta nghĩ. “Một mình” đi đôi với “một đống thứ” mà ta phải làm. Khối lượng công việc lớn sẽ sản sinh ra vô vàn áp lực, gây ra hệ lụy chán nản và trì trệ. Nhiều người dù tinh thần thép nhưng vẫn phải chịu thua trước áp lực đè nặng lên đôi vai mà dẫn đến từ bỏ.
Cách tốt nhất là cân bằng giữa làm việc nhóm và làm việc độc lập
Thực tế là, trong mỗi lần teamwork là một lần chúng ta làm việc độc lập. Lý do là trong cả quá trình đồng hành cùng nhau, mỗi cá nhân đều được phân chia cho những công việc nhỏ nhất định. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta phải chịu trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách hiệu quả nhất.
Giả sử, bạn đã quen và thành thạo trong việc teamwork, bạn phối hợp rất tốt với đồng đội của mình, nhưng cơ hội được đi công tác ở nước ngoài chỉ dành cho một người, và bạn là người được chọn. Khi đó, không có các cộng sự ở bên, bạn phải làm việc một mình: tự lên kế hoạch, tự lên lịch hẹn với đối tác, tự mình trao đổi và đàm phán,... Nếu như chỉ vì không có khả năng hoặc sợ làm việc độc lập mà bạn bỏ lỡ cơ hội hợp tác và thăng tiến, có đáng hay không?
Vì thế, hãy rèn luyện cho mình kỹ năng làm việc nhóm và bản lĩnh làm việc độc lập để thích ứng với những yêu cầu và cơ hội sắp tới.
Teamwork trong thời đại work from home, làm sao cho thật hiệu quả?
Đối mặt với đại dịch COVID 19, ở thời đại “bình thường mới” thì dường như chúng ta đã thích nghi được với việc “work from home” - làm việc tại nhà. Xu hướng work from home không chỉ là thử thách lớn đối với nhân viên mà còn là bài toán gây nhức đầu cho các nhà quản lý khi phải đối mặt với nhiều hạn chế như thiếu tương tác, khó giám sát hay hiệu quả không được đảm bảo. Vậy làm sao để làm việc tại nhà mà vẫn teamwork hiệu quả?
Thứ nhất, hãy duy trì sự tương tác và kết nối giữa các thành viên.
Khó khăn lớn nhất khi làm việc tại nhà chính là thời gian tương tác và phản hồi lớn hơn so với khi gặp mặt trực tiếp. Thêm vào đó, đường truyền Internet yếu kém rất dễ xảy ra gây lỡ nhịp, không nắm bắt trọn vẹn tâm ý của đối phương, dẫn đến khó nắm bắt được tình hình tiến độ công việc và làm việc kém hiệu quả. Do đó, trong tình cảnh này, nhóm cần có những buổi họp, đóng góp ý kiến, hoặc đơn giản là giao lưu, trò chuyện để tăng cường sự kết nối giữa team mate. Sự gắn kết sẽ giúp các thành viên hiểu nhau hơn, làm việc ăn ý hơn, biết cảm thông cho nhau và thậm chí phát huy tối đa những điểm mạnh của bản thân và đồng đội. Đừng nên bó hẹp mình trong những câu chuyện về công việc khô khan, căng thẳng, hãy chủ động hỏi han, chia sẻ với người khác về cuộc sống, tình hình sức khỏe hay những điều mới mẻ.
Thứ hai, tận dụng công nghệ để tạo sự kết nối giữa các thành viên qua nền tảng chung
Làm việc từ xa vẫn có thể duy trì được hiệu quả nếu mọi người được kết nối và chia sẻ thông qua một phương tiện công nghệ chung. Ngày nay, để thích nghi với xu hướng work from home, không khó để tìm được những ứng dụng, nền tảng tạo dựng những mô hình văn phòng ảo cho phép chúng ta giao tiếp và tạo một môi trường làm việc tương tự với làm việc trực tiếp như trò chuyện, họp, thăm dò ý kiến và các hoạt động truyền thông nội bộ khác.
Thứ ba, đặt ra mục tiêu và kỷ luật cho từng cá nhân
Làm việc ở nhà là cơ hội để những nhân tố bên ngoài xâm lấn tâm trí và sự tập trung như con cái, hoạt động của người xung quanh hay đơn giản như các thiết bị công nghệ đầy sức hút như tivi, điện thoại. Để tránh khỏi tình trạng xao nhãng, việc đặt mục tiêu trong ngày và báo cáo công việc vào mỗi cuối ngày là vô cùng cần thiết để đảm bảo tiến độ công việc.
Lời kết
Tóm lại, “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” mang đến cho chúng ta bài học, lời nhắc nhở sâu sắc về tầm quan trọng của tinh thần đồng đội, sự đoàn kết. Hãy nhớ rằng, có thể bạn nhỏ bé khi đứng một mình, nhưng khi chúng ta đứng cùng nhau, mọi thứ trở nên sừng sững, to lớn bất ngờ khi ta có tâm, có ý chí, có nhiệt huyết và mọi người đều nhìn về một điểm, cùng hướng về một mục tiêu chung.
Tìm hiểu thêm về “Kỹ năng làm việc nhóm” tại đây