Đã bao giờ bạn bất mãn với cuộc sống hiện tại, bất mãn với những kết quả bản thân đạt được trong suốt một quá trình dài hay chưa? Đã bao giờ bạn bất lực trong chính sự lựa chọn và nỗ lực của bản thân chưa? Có lẽ dù bất kỳ một độ tuổi nào, bất kỳ một cá nhân nào cũng đều trải qua những cảm xúc đó. Liệu đâu mới là nguyên nhân của vấn đề này? Là bạn nỗ lực chưa đủ? Hay vì một yếu tố khách quan nào khác?

Cuộc sống của chúng ta luôn biến động không ngừng. Mỗi ngày có hàng loạt các sự kiện diễn ra, hàng ngàn những biến cố bất chợt xảy đến. Ví như bạn đã đặt vé máy bay cho chuyến đi du lịch cùng bạn bè và đã lên kế hoạch rất chi tiết. Nhưng đến ngày hôm đó, gia đình của bạn bỗng có việc đột xuất, rất quan trọng và yêu cầu bạn ấy phải hủy chuyến đi thì bạn đâu còn sự lựa chọn nào khác, dù đã cố gắng sắp xếp công việc và mọi thứ ổn thỏa như thế nào đi chăng nữa. Hay một ví dụ không còn xa lạ gì đối với bất cứ một bạn học sinh nào cũng đã từng trải qua. Đó là nỗ lực hết sức học và ôn tập trong suốt một thời gian dài nhưng kết quả nhận được lại vô cùng thất vọng. Đây được xem là một trường hợp không quá phổ biến nhưng đều được hầu hết mọi học sinh biết tới. Và còn rất nhiều tình huống khác nữa mà bạn không thể liệu trước được điều gì cho dù đã cố gắng đến đâu đi chăng nữa. Đây được xem là yếu tố khách quan, là ngoại cảnh tác động đến kết quả của chúng ta.
Tuy nhiên, yếu tố ngoại cảnh đó lại không chiếm quá nhiều trọng số trong việc quyết định đến kết quả của bạn mà nó nằm ở chính bản thân bạn. Đã có rất nhiều trường hợp mọi người cho rằng bản thân mình đã rất cố gắng nhưng sao kết quả vẫn tệ, thậm chí là thảm hại hơn cả khi không nỗ lực. Chắc hẳn mọi người đều đã nghe đến câu nói rất nổi tiếng của Lê – nin: “Nhiệt tình cộng với dốt nát sẽ thành ra phá hoại.” Chính vì vậy, mà cố gắng của bạn nếu đặt sai thời điểm, sai thời gian, sai cách thức và hướng đi sẽ khiến có kết quả của bạn trở nên tồi tệ và công sức bỏ ra là uổng phí. Vì như trong một dự án, bạn nhiệt tình quá, không những nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách hiệu quả mà còn lấn sân sang ban công việc khác, giúp đỡ, hỗ trợ đồng đội. Có lẽ, nếu nhìn sang một khía cạnh thì việc giúp đỡ đồng đội là một điều đáng khen ngợi và khuyến khích bởi dự án nào cũng cần làm việc đội nhóm và hỗ trợ nhau. Tuy nhiên, nhiệt tình quá lại vô hình chung khiến không ít bạn khác lười biếng hơn, ỷ lại vào bạn, đến khi bạn không còn làm thay nữa thì sẽ quay sang diện nghị, phủ sạch toàn bộ những điều bạn đã làm cho họ, hoặc một bộ phận khác sẽ cảm thấy ghen ghét trước sự lấn sân không cần thiết đó của bạn. Lúc này, cố gắng, nỗ lực chỉ nên vừa phải và nằm trong phạm vi bản thân. Đừng để nó vượt quá tầm kiểm soát của bạn.

Quả thực, trong một số tình huống chúng ta cần nỗ lực vừa phải, vậy có bao giờ bạn nghĩ bản thân mình nỗ lực chưa đủ? Cần cố gắng bao nhiêu thì mới đủ? Đây chính là điều mình muốn nhắn nhủ với mọi người sau một loạt những điều phía trên. Dù bạn có làm gì đi chăng nữa, cố gắng bao nhiêu cũng sẽ không bao giờ đủ. Tại sao lại vậy? Bởi cuộc sống này rộng lớn, mênh mông vô cùng, kiến thức chúng ta có được chỉ là một giọt nước giữa đại dương bao la rộng lớn. Điều duy nhất chúng ta có thể làm là nỗ lực không ngừng, kiên trì đến cùng. Những thất bại, kết quả không mong muốn thì đó cũng chỉ là một lần vấp ngã thôi. Quan trọng là chúng ta đứng lên nhưng không phải dậm chân tại chỗ nhìn chỗ vừa ngã mà là chúng ta cứ tiếp tục bước đi về phía trước, dẫu biết phía trước là chông gai, là thách thức, những cám dỗ, ngã rẽ. Đó cũng chính là cách mà 7Up ra đời: Charles – cha đẻ của 7Up, cùng cộng sự của mình đã làm mọi thứ để tạo ra một thứ thực uống hoàn hảo nhưng đều gặp thất bại thảm hại. 6 dự án liên tiếp đã tiêu tốn rất nhiều tiền bạc và công sức nhưng họ vẫn quyết tâm thử thêm một lần nữa, và lần này họ đã làm nên kỳ tích và tạo nên 7Up. Hay nói chính xác hơn 7Up chính là quả ngọt ra đời sau chuỗi thất bại của các dự án 1Up, 2Up, 3Up,… cho đến 6Up trước đó. (“Up” trong tiếng Anh có nghĩa là vực dậy, đứng dậy).

Mình mong rằng đây sẽ là một câu chuyện, một bài học đắt giá cho những ai đã và đang trong những trải nghiệm thất bại. Thất bại không có nghĩa bạn không đủ năng lực hay không phù hợp với nó, mà là do bạn nỗ lực cho đủ để chạm tới thành công của nó. Hãy cố gắng và kiên trì đến cùng như cách Charles đã tạo ra 7Up như ngày nay.