15/03/2022
734

[PSYCHOHUB] GENDER IDENTITY - TRẺ HÌNH THÀNH BẢN DẠNG GIỚI NHƯ THẾ NÀO? (PART 2)

[PSYCHOHUB] GENDER IDENTITY - TRẺ HÌNH THÀNH BẢN DẠNG GIỚI NHƯ THẾ NÀO? (PART 2)

GENDER IDENTITY - TRẺ HÌNH THÀNH BẢN DẠNG GIỚI NHƯ THẾ NÀO? (PART 2)

Như đã nói ở phần trước, dưới góc nhìn thuyết học tập xã hội, trẻ không hoàn toàn bị động mà tiếp nhận có chọn lọc, chủ động trang bị cho bản thân một số hiểu biết đặc trưng về giới tính của mình. Chính vì vậy, điều này đã dẫn đến một cách tiếp cận khác về ý thức giới


B. COGNITIVE THEORY (Thuyết phát triển nhận thức)

📌 Cognitive- developmental theory: một lý thuyết được đưa ra bởi Kohlberg, cho rằng việc phát triển bản dạng giới được xây dựng dựa trên ba giai đoạn nhận thức, là cơ sở quan trọng trong hình thành hiểu biết về giới bao gồm: gọi tên giới tính (gender labeling), định hình vai trò giới tính (gender stability)  và bất biến giới tính (gender constancy) [1].


Kohlberg cho rằng khía cạnh quan trọng nhất của quá trình phát triển bản dạng giới (gender identity) là sự phát triển nhận thức của đứa trẻ. Cách tiếp cận của ông chủ yếu dựa trên tư tưởng của Piaget, cho rằng sự phát triển nhận thức về giới của trẻ là một quá trình mang tính xây dựng kiến thức về giới trong xã hội. Nhưng những kiến thức đó về bản dạng giới đến từ đâu? Theo Kohlberg, kiến ​​thức về vai trò giới có được từ những trải nghiệm của trẻ với thế giới xung quanh - một quá trình mà ông gọi là 'tự xã hội hóa”- tự bản thân tiếp nhận và biến những thông tin trẻ tiếp thu được từ môi trường xung quanh thành sự nhận thức, kiến thức riêng của mình.


📌 Thuyết nhận thức của Kohlberg chỉ ra quá trình tự xã hội hóa bản dạng giới của trẻ mẫu giáo phát triển dần qua ba giai đoạn, mỗi giai đoạn lại được đặc trưng bởi một kỹ năng nhận thức chính [2]


✨ Gender labelling (gọi tên giới tính): 2-3 tuổi

Ở giai đoạn này, trẻ đã biết bản thân là nam hay nữ, cũng như giới tính của người khác. Tuy nhiên chúng hoàn toàn chưa hiểu đây là đặc điểm không thể thay đổi theo thời gian, nó không giống với độ dài của tóc hay những trang phục chúng đang mặc. Bởi vậy khi thay đổi những đặc điểm nổi bật của vẻ bề ngoài, trẻ dễ bị nhầm lẫn bởi giới tính sinh học của đối phương

✨ Gender stability (định hình vai trò giới tính): 3-4,5 tuổi

Đến giai đoạn định hình, trẻ bắt đầu nhận ra tương lai sẽ trở thành những ông bố, nếu chúng là con trai, và tương tự bé gái sẽ trở thành những bà mẹ. Tuy nhiên, chúng chưa nhận thức sâu sắc giới tính không thể thay đổi chỉ dựa vào ngoại hình và sự lựa chọn hoạt động.

✨ Gender constancy (bất biến giới tính): 5 - 6,7 tuổi

Sang giai đoạn này, trẻ đã nhận thức rõ giới tính tồn tại bền vững ở mọi thời điểm. Một khi nhận thức được điều này, chúng sẽ hành xử theo những gì được kì vọng ở giới của chúng. Và theo Kohlberg, đây là giai đoạn thể hiện rõ nhất nhận thức xã hội của trẻ về giới 

  


📌 Nghiên cứu

Một trong những nghiên cứu liên quan để ủng hộ cho học thuyết này là nghiên cứu của Slaby và Frey (1975) kiểm tra hiểu biết về giới của trẻ bằng một cuộc phỏng vấn về khái niệm giới (Gender Concept Interview). Họ đã khảo sát 55 đứa trẻ từ hai đến năm tuổi và hỏi chúng 14 câu hỏi (mỗi câu đại diện cho từng giai đoạn khác nhau), ví dụ như:

  • Đây là con gái hay con trai? (cho xem một hình ảnh)
  • Cháu là con trai hay con gái?
  • Khi cháu là một em bé, cháu là con gái hay con trai?
  • Khi cháu lớn lên, cháu sẽ trở thành mẹ hay bố?
  • Nếu cháu mặc đồ của con gái, cháu có phải là con gái không?
  • Cháu có thể là con trai nếu cháu muốn không

Sau đó, các nhà nghiên cứu cho những đứa trẻ xem một bộ phim và tiến hành đo mức độ tập trung của chúng vào nhân vật nam hay nhân vật nữ. Họ phát hiện ra trẻ với mức độ bất biến giới tính mạnh mẽ hơn có xu hướng chú ý đến hình mẫu cùng giới nhiều hơn. Điều này góp phần củng cố cho học thuyết của Kohlberg. 

Nhưng nghiên cứu sau này về giới tính giúp trẻ em tìm kiếm thông tin phù hợp với giới của mình, nhưng nó không phải lúc nào cũng cần thiết. Các khuynh hướng hình mẫu ​​về giới (chẳng hạn như ưa thích bạn đồng giới ở ví dụ của Slaby và Frey (1975)) có thể có ở lứa tuổi mầm non (2-5t) - trước khi bước vào giai đoạn bất biến giới tính. Do đó, chỉ cần biết giới tính của chính mình và của người khác (giai đoạn gọi tên giới) là đủ để xây dựng và phát triển lược đồ giới, đồng thời phát triển thêm về bản dạng giới và khuôn mẫu giới tính ​​dựa trên cơ sở kiến ​​thức này. 

Như vậy, Kohlberg thừa nhận khía cạnh quan trọng nhất của phát triển giới không phải là các bản năng sinh học hay quy chuẩn xã hội, mà chính là quá trình phát triển nhận thức về thế giới xã hội xung quanh chúng. Nói theo cách khác, nó không phụ thuộc vào việc đứa trẻ được khích lệ hành xử theo những gì được kỳ vọng thấy khi chúng là con trai hay con gái.Thay vào đó, phát triển bản dạng giới phụ thuộc vào cảm giác chúng là nam hay nữ, thứ được hình thành trong những giai đoạn phù hợp với quá trình phát triển nhận thức. Và, những giai đoạn này song hành với học thuyết của Piaget về phát triển nhận thức ở trẻ em.

Mặc dù ở giai đoạn bất biến giới tính có nói đến: giới tính sinh học là cố định và không thể thay đổi qua thời gian, nhưng giờ đây chúng ta biết rằng chúng ta nên có một cách diễn giải về giới tính (sex) và giới (gender) rộng hơn là lý thuyết đã được đề xuất. Bên cạnh đó, trẻ em luôn luôn nên được dạy rằng chấp nhận bản thân là quan trọng nhất chứ không nên sống theo những khuôn mẫu giới lâu đời ở thời kỳ trước.

Nguồn tham khảo:

[1] Gillibrand, R., Lam, V., & O’Donnell, V. L. (2016). Developmental

Psychology. Pearson Education.

[2] Understanding How Children Learn About Gender. (2020, December 10). Verywell Mind. https://www.verywellmind.com/an-overview-of-gender-constancy-4688620

______________________________________

PsychoHub - Dự án Tâm lý học thuộc Youth+ Community

Fanpage: https://www.facebook.com/PsychoHub.Project/

Email: youth.psychohub@gmail.com