Đối mặt với các triệu chứng của bệnh trầm cảm là một thách thức với bất cứ ai. Điều này trở nên đặc biệt khó khăn khi bạn phải vật lộn với cả những cảm giác xấu hổ hoặc tội lỗi liên quan đến tình trạng sức khoẻ tinh thần của mình.
Có nhiều lý do tại sao một người có thể cảm thấy mặc cảm về bệnh tâm lý của mình. Họ có thể cảm thấy tồi tệ khi trầm cảm của họ khiến việc thực hiện các công việc hàng ngày trở nên khó khăn hơn. Hoặc họ có thể cảm thấy xấu hổ về tình trạng của mình do sự kỳ thị (stigma) xung quanh bệnh tâm lý.
Bất kể nguyên nhân là gì, hãy lướt qua ảnh để tìm hiểu về những việc bạn có thể làm để giúp giảm bớt hoặc loại bỏ cảm giác mặc cảm này.
📌Hiểu rằng trầm cảm không cần lý do
Một quan niệm sai lầm phổ biến là một người phải có “lý do” để bị trầm cảm. Mặc dù điều này thường phổ biến ở những người chưa bao giờ bị trầm cảm, bạn có thể thấy mình đang suy nghĩ theo hướng tương tự. Bạn có thể sợ rằng người khác sẽ nhìn bạn và nghĩ rằng bạn có một cuộc sống tuyệt vời - vậy tại sao bạn lại chán nản? Bạn có thể cảm thấy mình không có quyền bị trầm cảm vì nhiều người dường như còn có cuộc sống tồi tệ hơn nhiều.
Thực tế là ai cũng có thể bị trầm cảm, không quan trọng mức độ thành công của một người, mức độ nổi tiếng của họ hay họ có bao nhiêu tiền. Trầm cảm không đòi hỏi một cuộc sống khó khăn, căng thẳng, chấn thương hay những mối quan hệ khó khăn.
Thay vì cố gắng tìm lý do để biện minh cho các triệu chứng của bạn, hãy tập trung vào việc tìm hiểu thêm về các nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm. Khuynh hướng di truyền, cấu trúc não và các chất hóa học trong não đều là những yếu tố không thể thay đổi được, có thể góp phần vào việc khởi phát bệnh trầm cảm.
📌Thể hiện lòng trắc ẩn với chính bản thân mình
Chúng ta thường nghiêm khắc hơn với chính bản thân mình so với người khác. Đặc biệt với bản chất của trầm cảm, những suy nghĩ tiêu cực, tâm trạng xuống dốc, mệt mỏi và thiếu động lực khiến cho người bệnh cảm thấy chăm sóc bản thân không phải là ưu tiên hàng đầu.
Nếu bạn đang tự trách bản thân về căn bệnh trầm cảm của mình, hãy thử đặt câu hỏi: Bạn sẽ nói gì nếu ai đó cũng gặp phải điều tương tự? Ngày Mai hi vọng bạn hãy cho bản thân thời gian và không gian để chữa lành mà không phải chịu gánh nặng của những kỳ vọng quá cao từ chính bạn. Hãy tự hào về những gì bạn đạt được mỗi ngày, dù cho những thành tích đó có thể không quá lớn lao.
📌Hãy nhớ rằng bạn xứng đáng được giúp đỡ
Cảm giác mặc cảm về căn bệnh trầm cảm có thể khiến bạn có tâm lý ngại ngần trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết.
Bạn có thể không tìm cách điều trị vì:
- Bạn nghĩ rằng người khác sẽ không hiểu
- Bạn sợ bị đánh giá
- Bạn không muốn mọi người biết rằng bạn cảm thấy trầm cảm
- Bạn cảm thấy các triệu chứng của mình chưa đủ "tệ"
- Bạn nghĩ rằng bạn không xứng đáng được giúp đỡ
Điều bạn nên biết là điều này: mọi người đều xứng đáng được giúp đỡ. Trên thực tế, nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự hỗ trợ của xã hội có thể giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh trầm cảm. Việc bạn quyết định chia sẻ bao nhiêu tùy thuộc vào mức độ thoải mái cá nhân của bạn, nhưng có người để tâm sự là điều quan trọng. Đó có thể là một người bạn hay một thành viên trong gia đình bạn.
Nếu bạn cảm thấy cần ai đó để tâm sự nhưng không chắc nên chia sẻ cùng ai, hãy cân nhắc liên hệ với Đường dây nóng Ngày Mai nhé. Chúng mình sẵn sàng lắng nghe và đồng hành cùng bạn trong thời kỳ khó khăn này.