18/11/2019
869

TRƯỞNG THÀNH TỪ NHỮNG NỖI CÔ ĐƠN

TRƯỞNG THÀNH TỪ NHỮNG NỖI CÔ ĐƠN

Tuần vừa qua, trường tôi có một sinh viên nhảy xuống đường ray tàu điện ngầm tự tử. Khoảng thời gian này thường là thời điểm sinh viên mới, đặc biệt là du học sinh, gặp nhiều vấn đề tâm lý nhất do cảm thấy khó khăn trong việc hoà nhập, chưa tìm được giá trị của bản thân trong môi trường mới, cũng như chưa quen với áp lực học hành căng thẳng. Chúng tôi liên tục được nhắc nhở việc hãy quan tâm đến những người xung quanh mình, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Tôi vẫn nhớ buổi tối hôm đó, khi ở bến chờ chuyến tàu muộn, tôi gặp cô bạn cùng lớp. Hai đứa ngồi tỉ tê tâm sự về cuộc sống ở New York.

“Người ta bảo du học là thích lắm. Nhưng sao tao chỉ thấy cô đơn thôi. Ngày ngày lủi thủi một mình đến lớp, một mình đi về. Cảm giác mình ở đây cũng được, mà có biến mất cũng chẳng ai quan tâm. Mọi người quá bận rộn để chú ý đến mình.”

Câu nói của cô bạn như chạm đến một góc nhỏ thầm kín bên trong tôi. Ừ, cái cảm giác cô đơn đó, phải sống ở một nơi xa lạ mới hiểu được. Nếu không để ý, nó sẽ ăn mòn mình từng chút, từng chút lúc nào không hay.

Bất giác, tôi quay sang:
“Này, đừng đùa. Có tao quan tâm đấy. Mày biến mất thì tao kiếm đâu ra “commute buddy” (bạn đi cùng tàu) đây!”

Nghe vậy, cô nàng phì cười. Tôi cũng cười. Tôi biết đó chỉ là một tia sáng nhỏ. Nhưng vậy cũng đủ ấm áp hơn cho bạn mình. Cho cả tôi nữa. Vì tối hôm đấy tôi thấy rất vui.

Ừ, ở đây ai cũng bận rộn thật. Nhưng thường ta cô đơn vì ta tự ôm tất cả vào chính mình. Thử mở lòng trước, sẽ thấy bất ngờ lắm. Nhu cầu kết nối là cái gì đó rất tự nhiên. Nhưng trước hết ta phải chủ động cho đi, chủ động kiếm tìm.

Từ hôm đó, trước và sau mỗi buổi học, tôi thường tranh thủ dành thời gian trò truyện với một bạn nào đó trong lớp. Tôi coi đây là cơ hội để biết thêm những câu chuyện về mọi người xung quanh mình. Tôi cũng tìm hiểu để đăng ký tham gia các dự án thú vị thầy cô trong khoa đang thực hiện, vừa để tăng thêm kinh nghiệm làm sản phẩm giáo dục, đồng thời được kết nối với cộng đồng những người cùng mối quan tâm.

Với một đứa hướng nội, thú thực làm được điều này không dễ dàng. Tôi chọn cách chú trọng xây dựng những mối quan hệ hướng vào chiều sâu và dùng sự tò mò, muốn khám phá câu chuyện của những người xung quanh mình để đẩy bản thân chủ động kết nối. Đơn giản vì tôi hiểu rằng có được kết nối, ta sẽ bớt cô đơn và lạc lõng. Có kết nối, đất lạ sẽ thành nhà mới thân quen.

Những ngày đầu mới sang, những mối dây liên kết đó còn mỏng, ta còn chật vật. Nhiều khi ta phải chủ động tự đẩy mình ra khỏi vùng an toàn, thoải mái, bước ra ngoài kia để xây dựng cộng đồng cho riêng mình. Dần dần những mối dây liên kết sẽ được mở rộng và vững chắc hơn theo thời gian. Quan trọng nhất là ta phải biết kiên nhẫn với chính mình.

Phải trải qua những thử thách của cuộc sống ở một nơi xa lạ rồi mới hiểu vì sao kỹ năng thích ứng lại được đánh giá cao trong môi trường quốc tế ngày nay. Đó quả thực không chỉ dừng ở việc làm quen với những nét văn hoá mới, cách sinh hoạt mới, mà còn là cả quá trình chấp nhận, thay đổi, tái tạo bản thân, cũng như chủ động tìm kiếm, xây dựng cộng đồng của riêng mình trong môi trường mới.

Thử thách nhiều nhưng còn trẻ thì còn cần đi. Muốn là công dân toàn cầu thì phải vậy, coi như cơ hội được học cách trưởng thành từ những nỗi cô đơn!

New York sắp lạnh rồi. Mùa đông lạnh đừng để mình cô đơn!
 

Tác giả: Tran Thi Thuy Trang

Nguồn ảnh: http://elvasomediolleno.guru/wp-content/uploads/2015/11/deber3.jpg