Có nhiều người cho rằng muốn cuộc sống trở nên có ý nghĩa thì con người cần phải có mục tiêu và biết phấn đấu vì mục tiêu. Thế nhưng ít ai biết rằng việc đặt mục tiêu “bừa” có thể khiến chúng ta mất nhiều hơn nhận. Vì vậy, nếu bạn cũng đang mông lung về việc thiết lập mục tiêu cho bản thân mình hay đang trong quá trình tìm hiểu về kỹ năng này, hãy để Youth+ “mách” bạn làm thế nào để hoạch định những mục tiêu một cách thông minh và hiệu quả nhé!
1. Vì sao lại cần kỹ năng đặt mục tiêu?
Kỹ năng đặt mục tiêu là khả năng con người biết định hướng cho bản thân trong cuộc sống cũng như vạch ra kế hoạch cho việc thực hiện những mục tiêu của mình. Những mục tiêu càng được hoạch định chi tiết, chúng lại càng thúc đẩy chúng ta nỗ lực để hoàn thành, bởi động lực cũng chính là chìa khóa để đạt được mục tiêu!
Vì vậy bạn luôn luôn nên có một mục tiêu và khi lập kế hoạch, hãy phải đảm bảo nó có thể khuyến khích bạn thực hiện, tránh mất thời gian vào những vấn đề không cần thiết và không mang lại nhiều giá trị cho mục tiêu sau cùng của bạn. Youth+ tin rằng biết cách đặt mục tiêu hợp lý có vai trò như kim chỉ nam trong cuộc sống của mỗi người và giúp chúng ta đạt được những thành công lớn.
2. Vậy đặt mục tiêu dựa trên tiêu chí nào?
Hãy đảm bảo rằng hãy đặt mục tiêu một cách “thông minh” theo 5 tiêu chí của nguyên tắc SMART.
- S - Specific - Cụ thể: mục tiêu phải rõ ràng, có tính định hướng cao. Nếu mục tiêu mơ hồ thì việc lên kế hoạch và thực hiện cũng sẽ mông lung.
- M - Measurable - Có thể đo lường được: mục tiêu gắn liền với những con số cụ thể có thể tăng khả năng tập trung và đo lường được bạn cần nỗ lực bao nhiêu, trở thành đòn bẩy cho tinh thần của bạn.
- A - Achievable - Tính khả thi: biết mình biết ta thì trăm trận trăm thắng. Vì vậy, hãy đảm bảo rằng mục tiêu đặt ra nằm trong khả năng thực hiện của bạn. Điều này giúp kích thích sự tự tin của bạn mà không nản lòng và bỏ cuộc giữa chừng.
- R - Realistic - Tính thực tế: đừng cố mơ tưởng về những thứ viển vông, xa rời thực tế mà bạn chắc chắn không đạt được. Nếu không, đó chỉ là một điều ước mà thôi.
- T - Time-bound - Có thời hạn: việc thực hiện mục tiêu dưới sức ép của deadline sẽ làm tăng tinh thần trách nhiệm với công việc và khiến bạn cố gắng hết mình để hoàn thành.
Có thể lấy một ví dụ như bạn có mong muốn trở thành trưởng ban Truyền thông của câu lạc bộ trong vòng 1 năm tới. Và một mục tiêu cụ thể phải là “tôi muốn học hỏi những kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể hoàn thiện bản thân và dẫn dắt ban Truyền thông tốt hơn.” Từ đó, bạn có thể đo lường làm thế nào đạt được các kỹ năng để trở thành team leader bằng cách xác định rằng bạn sẽ hoàn thành các khóa đào tạo cần thiết và có được kinh nghiệm liên quan trong vòng 5 tháng.
Ngược lại, bạn có thể cần phải tự hỏi liệu việc phát triển các kỹ năng cần thiết để trở thành trưởng ban Truyền thông có thực tế hay không, dựa trên kinh nghiệm và trình độ hiện có của bạn. Ví dụ, bạn có đủ thời gian để hoàn thành khóa đào tạo cần thiết một cách hiệu quả không? Các nguồn lực cần thiết có sẵn cho bạn không? Bạn có thể đủ khả năng để làm điều đó?
Nhớ rằng hãy luôn để bản thân ở thế chủ động với mục tiêu đó. Bạn có thể muốn đạt được các kỹ năng để trở thành trưởng ban Truyền thông trong CLB của mình, nhưng đây có phải là thời điểm thích hợp để thực hiện khóa đào tạo cần thiết hoặc hoạt động thêm các dự án cộng đồng khác để đạt được các chứng chỉ và kinh nghiệm ngoài hay không? Bạn có chắc mình là người phù hợp cho vai trò này không? Bạn đã xem xét các mục tiêu của các thành viên khác trong team của bạn? Chẳng hạn nếu bạn đang trong quá trình ôn thi ở trường, liệu hoàn thành khóa đào tạo trong thời gian rảnh có khiến việc này trở nên khó khăn hơn không? Hay bạn phải ưu tiên cho việc học ở trường? Cân nhắc kỹ về yếu tố này đấy!
Cuối cùng điều quan trọng là phải tạo cho mình một khung thời gian thực tế để hoàn thành các mục tiêu nhỏ hơn cần thiết để đạt được mục tiêu lớn nhất của bạn. Bạn sẽ mất bao lâu để có được những kỹ năng này? Bạn có cần được đào tạo thêm để đủ điều kiện ứng tuyển cho vị trí đó không? Trả lời những câu hỏi như vậy, bạn sẽ thấy mục tiêu của mình hữu hình hơn rất nhiều rồi đó.
3. Nhưng “Mục Tiêu” ơi, tìm cậu ở nơi đâu?
Ngày nay, có rất nhiều phương pháp được “phát minh” ra để giúp chúng ta thiết lập được mục tiêu cho bản thân mình, nhưng Youth+ sẽ chỉ bạn làm thế nào để đặt và đạt mục tiêu của mình đề ra một cách thông minh và hiệu quả.
2.1. Suy nghĩ cẩn thận về “mình muốn gì?” và viết chúng ra giấy.
Điều kiện tiên quyết để giúp bạn có được bản kế hoạch tương lai “hoàn hảo” đó chính là phải xác định được chính xác bản thân mình MUỐN GÌ. Vậy nên đừng tiếc thời gian nghiền ngẫm đi tìm câu trả lời cho câu hỏi ấy và hãy ghi những mục tiêu đó ra giấy.
Việc ghi chép sẽ khiến mục tiêu của bạn thực tế và hữu hình hơn. Tất nhiên, bạn cũng cần đưa những mục tiêu đó thành điều kiện PHẢI đạt được bằng cách thể hiện rõ sự quyết tâm hành động của bạn khi viết chúng ra. Thay vì dùng từ “muốn” hay “có thể” thì từ “sẽ” có tác dụng hơn nhiều. Một tips nhỏ là đừng quên đặt những mục tiêu đó ở những nơi dễ nhìn thấy, tránh để chúng rơi vào quên lãng, chứ mất công viết ra như vậy mà “ghost” người ta thì những mục tiêu cũng biết buồn đấy nhé!
2.2. Cân đo đong đếm những thuận lợi, bất lợi và… lên kế hoạch hành động thôi!
Trước khi lên kế hoạch, bạn cần đánh giá và xem xét xem mình sẽ gặp phải những trở ngại nào và những yếu tố có lợi của mình là gì, cả về môi trường, con người và vật chất. Sau khi đã xác định được rồi, hãy biến nó thành một bản kế hoạch thật CỤ THỂ và CHI TIẾT. Viết ra từng bước đi một, bạn sẽ biết được mình đang đi tới đâu và thấy được cả quá trình đi tới mục tiêu cuối cùng. Hãy đặt ra và giải đáp một số câu hỏi như:
- Để đạt được mục tiêu cần phải làm những việc gì và thứ tự ưu tiên ra sao?
- Mỗi việc phải thực hiện như thế nào? Mất bao lâu để hoàn thành?
- Cần những kỹ năng, kiến thức nào khác?
- Hướng giải quyết cho những khó khăn là gì và vận dụng những thuận lợi ra sao?
- Kết quả cần đạt được là gì?
- v.v…
Ngoài ra trong quá trình này, bạn cũng nên tự xây dựng cho mình những nguyên tắc thực hiện riêng và đảm bảo luôn tuân thủ chúng để đạt được hiệu suất cao nhất.
2.3. Liên tục bám sát đánh giá lại mục tiêu và sự tiến bộ.
Trong quá trình thực hiện, bạn cũng nên tập thói quen tự giác và kỷ luật, không ngừng đo lường, đánh giá xem mình đã đạt được bao nhiêu phần trăm kế hoạch, cũng như thường xuyên cập nhật và loại bỏ những công việc không còn cần thiết. Hãy luôn ghi nhớ và nhắc nhở bản thân dành thời gian “chăm sóc” cho mục tiêu của mình hàng ngày nhé.
2.4. Nhẹ nhàng với đời sống tinh thần của bản thân, dù thành công hay thất bại.
Thiết lập mục tiêu là cả một quá trình chứ không đơn thuần chỉ là sự kết thúc. Vậy nên dù có thất bại cũng chẳng làm sao cả, đừng tốn thời gian để ủ rũ mà hãy rút kinh nghiệm để khắc phục và tiến bộ hơn từng ngày. Và tất nhiên cũng đừng ngần ngại mà tự thưởng cho chính mình khi bạn hoàn thành mục tiêu. Đây sẽ là động lực cho bạn để tiếp tục xây dựng và theo đuổi những mục tiêu tiếp theo đó.
KẾT LUẬN
Như vậy, chương đầu tiên của chuyên mục YOUTH+ KỸ NĂNG cũng đã khép lại rồi, các bạn đã có thể tự đặt mục tiêu và lên kế hoạch chi tiết cho bản thân chưa? Hãy đọc và tự biến những mục tiêu thành hành động từ hôm nay!
“A goal without a plan is just a wish” - Antoine De Saint-Exupéry
Người viết và thiết kế: Trần Thanh Huyền