🗣 5 BƯỚC CƠ BẢN RÈN LUYỆN TƯ DUY PHẢN BIỆN
🔎 Khi nhắc đến tư duy phản biện, có lẽ bạn sẽ nghĩ ngay đến việc “tranh luận” với một ai đó, hoặc đó có thể là sự hoài nghi, bất đồng quan điểm với một vấn đề. Thực tế thì tư duy phản biện không mang màu sắc “máu lửa” như bạn vẫn tưởng tượng.
🔎 Tư duy phản biện (Critical thinking) là quá trình tư duy nhằm chất vấn để xác thực một quan điểm, luận điểm gì đó. Bạn sẽ chỉ lắng nghe ý kiến của người khác một cách tham khảo, có chọn lọc, đồng thời vận dụng trí tuệ, khả năng phân tích, đánh giá các khía cạnh của vấn đề. Tư duy phản biện không phải sự hoài nghi, càng không phải bạn đang cố đi ngược lại ý kiến của người khác.
🔎 Tư duy phản biện không phải ngẫu nhiên mà hình thành trong tiềm thức của mỗi cá nhân. Nó cũng là một quá trình học hỏi, tiếp thu và rèn luyện. Hãy cùng điểm qua 5 bước cơ bản để rèn luyện cho bạn một tư duy phản biện thật sắc bén nhé!
💭 Xây dựng các câu hỏi dựa trên phương pháp 5W1H (WHAT – WHEN – WHERE – WHY- WHO – HOW)
Đặt câu hỏi là bước đầu tiên trong việc hình thành tư duy phản biện của mỗi cá nhân. Trước mọi vấn đề trong cuộc sống, chúng ta thường có xu hướng tò mò. Sự tò mò thể hiện bằng việc đưa ra hàng loạt các câu hỏi. Tuy nhiên, đa phần mọi người chỉ xoay quanh các câu hỏi “Tại sao?” mà quên đi những câu hỏi cơ bản khác. Nếu không áp dụng mô hình này, chúng ta rất dễ ngộ nhận cho rằng ý kiến cá nhân hay ý kiến của người khác là hoàn toàn chính xác mà không có sự phản hồi nào và kết quả thu lại có thể không đạt hiệu suất như mong đợi. Vì vậy, hãy xây dựng thói quen tư duy bằng 5 câu hỏi: WHAT – WHEN – WHERE – WHY- WHO – HOW hay chính là việc áp dụng phương pháp 5W1H trong tư duy phản biện. Việc đặt câu hỏi có thể chưa giúp chúng ta có câu trả lời ngay được nhưng chắc chắn nó sẽ cung cấp những ý chính để chuẩn bị cho việc tìm kiếm thông tin.
💭 Tìm kiếm thông tin
Tìm kiếm thông tin là một bước quan trọng cho những lập luận sau này. Thu thập thông tin chính xác sẽ giúp cho việc xử lý thông tin hiệu quả hơn và bao quát, do đó các vấn đề sẽ được giải quyết một cách hợp lý nhất, có trọng tâm nhất. Ngược lại nếu không có thông tin hoặc thông tin không đầy đủ, thiếu chính xác sẽ có những tác động, ảnh hưởng đến việc đánh giá kết quả, dẫn đến việc xử lý công việc thiếu tính thuyết phục và không đáp ứng yêu cầu. Chúng ta phải vận dụng đủ 5 giác quan và mọi phương tiện mình có để tìm kiếm thứ mình cần.
💭 Sử dụng tư duy logic
Sau khi đã có những mảnh thông tin rời rạc, việc cần làm tiếp theo là sắp xếp, phân loại và xâu chuỗi chúng thành một mạch có liên kết rõ ràng. Đó là cách thức mà bạn áp dụng tư duy logic đưa ra được cái nhìn tổng quát về một vài giả định ban đầu và hiểu rõ hơn về vấn đề.
💭 Phân tích các giả định để đưa ra câu trả lời phù hợp
Hãy tạo thói quen dùng trực giác của mình để tìm hiểu những điều cần nghi vấn trong các thông tin nhận được. Nếu trực giác của bạn cảm thấy chưa thỏa mãn với lời giải thích, hãy tìm hiểu thêm thông tin của vấn đề. Nếu bạn không thể đặt câu hỏi về một vấn đề nào đó, hãy đọc về nó hoặc tự kiểm chứng qua bản thân mình. Chúng ta sẽ nhanh chóng cảm nhận được đâu là những thứ cần tìm hiểu thêm và đâu là những thứ có thể xem là chính xác dựa trên đánh giá của bạn.
💭 So sánh quan điểm để đưa ra câu trả lời đúng nhất
Bất cứ vấn đề nào cũng chứa đựng nhiều mặt khác nhau. Nhận thức của cá nhân chúng ta thường chỉ nhìn vào một khía cạnh mà không bao quát được trọn vẹn vấn đề. Tư duy phản biện phát triển đến trình độ cao là khi bạn điều chỉnh góc nhìn cá nhân bằng việc so sánh với quan điểm của người khác và đưa ra kết luận hợp lý nhất.
“Hãy suy nghĩ về những điều người khác nói trước khi nói ra những điều mình nghĩ.” Tôn trọng và lắng nghe ý kiến của mọi người là một trong những thái độ ứng xử văn minh và khôn ngoan. Cần biết tìm hiểu nguyên do tại sao họ lại nhìn nhận như vậy trong khi mình lại nghĩ như thế này là một trong những cách thức giải quyết vấn đề toàn diện nhất.