12/08/2019
781

STRESS – ĐỪNG SỢ, HÃY CẢM NHẬN VẺ ĐẸP

STRESS – ĐỪNG SỢ, HÃY CẢM NHẬN VẺ ĐẸP

Đi từ định kiến…

Chúng ta vẫn luôn nhìn nhận áp lực một cách tiêu cực. Stress dường như là một triệu chứng, một căn bệnh đáng sợ, một hòn đá nặng nề đầy chán ghét cần phải được loại bỏ khỏi cuộc sống thường nhật. Cơ thể đông cứng lại, tim đập mạnh, thở dốc,… chẳng ai muốn những cảm giác như thế cả. Nên phải hứng chịu áp lực là một điều mệt mỏi và đáng sợ. Stress như là nguồn cơn của mọi vấn đề, mọi sự bất hạnh trong cuộc sống. Nhưng có thật thế không?

…Đến sự thật

Hãy cùng lật lại định nghĩa về stress. Đúng với tên gọi của nó, stress là trạng thái cơ thể bị “kéo căng” trước tác động của môi trường. Đó là một phản ứng sinh học mang tính bản năng nhằm giúp cơ thể ứng phó với những tác động ấy. Như vậy, về mặt cơ bản, stress vốn chỉ là một khái niệm trung tính, không tích cực cũng chẳng tiêu cực. Điều khiến stress có lợi hay có hại về mặt sức khỏe thực chất lại phụ thuộc vào khía cạnh tâm lý – tức cách nhìn nhận về stress của chính chúng ta.

Các nhà tâm lý học ở Mỹ đã thực hiện một nghiên cứu trên 30000 người Mỹ trưởng thành với hai câu hỏi: “Bạn có gặp nhiều áp lực trong năm vừa qua không?”, “Bạn có nghĩ những áp lực ấy tác động xấu tới sức khỏe của bạn?”. Tám năm sau, họ tiến hành kiểm tra hồ sơ tử vong. Quả thật, những người phải chịu đựng áp lực nhiều và kéo dài có nguy cơ tử vong cao hơn đến 43%. Tuy nhiên, con số này lại chỉ đúng với những người tin rằng stress là có hại. Điều mỉa mai ở đây là chúng ta rốt cuộc không chết vì stress, mà chính việc tin rằng stress là một liều độc dược mới giết chết chúng ta.

Và ngược lại, theo một nghiên cứu khác từ Đại học Harvard, những người tin rằng stress có lợi cho bản thân có tỉ lệ mắc các bệnh tim mạch khi về già thấp hơn hẳn nhóm còn lại và có tuổi thọ cao hơn (tuổi thọ trung bình của nhóm này là 90 tuổi).

Như đã nói, stress thực chất là một cơ chế phản ứng tự nhiên của cơ thể. Vậy nên khi tim bạn đập nhanh hơn và các cơ căng cứng lại, đó là cơ thể đang chuẩn bị để phản ứng lại với các tác động của tình huống. Bạn thở gấp hơn? Điều đó chẳng có gì xấu cả, mà ngược lại, còn giúp cung cấp thêm nhiều oxi cho não bộ, giúp bạn xử lý thông tin tốt hơn, đánh giá chính xác hơn.

Điều thú vị là những biểu hiện của cơ thể khi đối diện với stress cũng giống với khi bạn cảm thấy hào hứng trước một cuộc chơi, hay cảm giác được cổ vũ và ủng hộ. Theo một cách nào đó, chính cơ thể của bạn đang tiếp thêm can đảm cho bạn đấy. Và nếu cơ thể đã hỗ trợ bạn với những cơ chế sinh học của nó để giúp bạn đối diện với thử thách, việc còn lại của bạn là gì nếu không phải là đứng lên và bước vào cuộc chơi?

Stress – vẻ đẹp của chuyến phiêu lưu mang tên “cuộc sống”

Đã bao giờ bạn tự hỏi, tại sao lại có những deadlines, tại sao thời gian của giờ kiểm tra Văn chỉ là 120 phút chứ không phải là nửa ngày? Tại sao cuộc sống lại tồn tại những sức ép đẩy bạn đến ngưỡng giới hạn của chính bản thân?

Bạn có nhận ra rằng, deadlines tồn tại là để giúp bạn làm việc có kế hoạch và hiệu quả hơn. Trong hai tiếng đồng hồ ở phòng thi, bạn viết được nhiều hơn cả hai tuần thảnh thơi, tư duy và câu chữ cũng sáng rõ và mạch lạc hơn bao giờ hết. Tất cả những khó khăn và trở ngại trong cuộc sống của bạn, những thứ tồn tại dưới dạng thức là hai chữ “áp lực” thực chất sẽ làm nên con người bạn. Hạnh phúc và đau khổ, niềm đam mê và nỗi thất vọng, thành công và vấp ngã, chúng tồn tại cùng lúc với nhau trong suốt cuộc hành trình của bạn. Chúng xoay vần luân phiên, như một vòng tròn không hồi kết. Vậy nên, sẽ chẳng có một điều tốt đẹp nào đến một cách dễ chịu cả đâu.

Đây không phải là một bài viết “self-help” mang tính chất cổ động. Nên chúng ta sẽ chẳng tôn vinh giá trị của lòng kiên trì ở đây (mặc dù đó là một giá trị khá đúng); cũng sẽ chẳng có bài ca cố hữu “Có chí thì nên” nào được xướng lên cả.

Nên nếu bạn cứ nhìn stress như một sự khổ hạnh, cắn răn chịu đựng những khó khăn trên cuộc hành trình nhằm trông chờ vào một thứ hạnh phúc hay thành công tột bậc nào đấy ở vạch đích? Sẽ chẳng có điều gì như thế tồn tại ở vạch đích kia đâu. Hay đúng hơn là chẳng có vạch đích nào cả. Đời là một chuỗi ngắn nối tiếp, rồi những nấc thang cuộc sống của bạn sẽ thay đổi, biết đâu sẽ có những ngã rẽ trên chuyến hành trình bất tận của bạn. Hạnh phúc và vui sướng, những cảm giác ấy nằm trên chính con đường bạn đi, ngay trong những áp lực mà bạn đã, đang, sẽ chịu đựng và phải vượt qua. Đó cũng chính là vẻ đẹp của stress trong cuộc sống của bạn, nên hãy cảm nhận vẻ đẹp ấy khi còn có thể đi.

Điều cốt yếu ở đây là bạn phải hiểu được giá trị của những áp lực mà bạn gặp phải trên cuộc hành trình của mình? Tại sao bạn lại cảm thấy stress? Và điều đó có ý nghĩa gì? Bới theo đuổi một điều gì đó có nghĩa tất nhiên là tốt hơn đuổi theo một cảm giác dễ chịu mà vô nghĩa. Và bất kỳ một điều gì đó có ý nghĩa trong cuộc đời bạn rồi sẽ đều mang đến cho bạn cả nụ cười và nước mắt, cả niềm vui và nỗi chán chường. Hãy nhớ rằng, nếu không có sức ép, than chì vẫn mãi chỉ là than chì chứ chẳng thể thành một viên kim cương tỏa sáng. Điều này không phải là giáo lý sáo rỗng, đó là lẽ tự nhiên của cuộc sống.

UYÊN PHƯƠNG (YOUTHer)